Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Các biện pháp khống chế sự ô nhiễm không khí

Các biện pháp khống chế sự ô nhiễm không khí

I. Khống chế các nguồn nhằm giảm các tác nhân ô nhiễm:

Chính phủ cần ban hành các luật qui định về quản lý và kiểm soát môi trường, thực hiện luật bảo vệ môi trường, quản lý và kiểm soát những nguồn và các tác nhân gây ô nhiễm, nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Thay thế các trang thiết bị - phương tiện kỹ thuật cũ bằng trang thiết bị - phương tiện kỹ thuật hiện đại, dây chuyền khép kín, xử lý tốt các chất thải, khí thải trước khi thải ra môi trường. Công nghệ làm sạch không khí phải luôn được hoàn thiện. Chuyển các động cơ, lò đốt bằng nhiên liệt than đá, xăng dầu sang sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng thủy điện… Các động cơ, phương tiện giao thông cần cải tiến sử dụng điện năng hay thiết kế bộ phận đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu, sử dụng các nhiên liệu cao cấp ít độc chất. Đồng thời phải kiểm soát và quản lý nồng độ các khí thải của các động cơ, phương tiện giao thông, kiên quyết bắt buộc ngưng hoạt động đối với các động cơ, phương tiện giao thông quá niên hạn sử dụng hay nồng độ khí thải vượt quá ngưỡng qui định. Trong sinh hoạt hằng ngày (nấu nướng, thấp sáng…) hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu như: than đá, củi, dầu… ngoài ra, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ phòng chống cháy rừng, chống đốt phá rừng, hạn chế đốt rơm rạ… và bố trí các nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp ở cuối hướng gió chủ đạo, cuối nguồn nước so với khu dân cư và cách xa khu dân cư.

II. Kiểm soát ô nhiễm không khí

Nhà nước cần có những qui định, biện pháp hành chính nghiêm khắc để ngăn cấm, xử lí triệt để những cá nhân, đơn vị, cơ sở sản xuất, nhà máy cố tình gây ô nhiễm môi trường. Ban hành rộng rãi các qui định về nồng độ giới hạn cho phép của các chất gây ô nhiễm môi trường để kiểm soát tốt các chất gây ô nhiễm môi trường không khí.

Giảm ô nhiễm của bụi, hơi và khí bằng các phương pháp: sử dụng buồng lắng bụi, ly tâm bằng Xyclon, lọc tay áo, lọc tĩnh điện… Ngoài ra, trồng nhiều cây xanh cũng giúp hạn chế được phần nào ô nhiễm không khí, cây xanh có tác dụng che nắng, hấp thụ bớt bức xạ mặt trời, hút – ngăn chặn và giữ bụi, hấp thụ CO2, lọc sạch không khí, có thể che chắn làm giảm bớt tiếng ồn. Diện tích đất để trồng cây xanh phải gấp 4 lần diện tích đất của con người.

Xử lý ô nhiễm dạng khí  với nhiều phương pháp: hấp thụ khí thải bằng nước, dung dịch xút hoặc axit trong tháp hấp thụ; hấp thụ trong than bùn hoặc phân rác; hấp phụ trong than hoạt tính; oxy hóa khử; phân hủy nhiệt…

III. Xử lý chất khí ô nhiễm:

Người ta sử dụng một số biện pháp như: phương pháp thiêu hủy có làm sạch khí thải; phương pháp hấp thụ; phương pháp ngưng tụ; phương pháp sinh hóa – vi sinh.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 14/07/2011