Dinh dưỡng cho người cao tuổi
- Hiện nay, khái niệm tuổi già hoặc người cao tuổi được đề nghị sử dụng đối với những người trên 65 tuổi. Khi con người bước vào tuổi già sẽ xuất hiện những thay đổi sinh lý ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng. Tiêu hoá là 1 chức năng rất quan trọng ảnh hưởng đến dinh dưỡng. Trong số những người trên 70 tuổi, cứ 3 người thì có 1 người giảm tiết dịch acid dạ dày, làm ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin B12, acid folic, can xi, sắt, và kẽm, góp phần gây thiếu các chất dinh dưỡng. Tỷ lệ viêm teo dạ dày tăng lên khi tuổi càng cao, tỷ lệ này có thể lên đến 50% ở tuổi 80. Do đó, 1 chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thích hợp sẽ góp phần quan trọng duy trì và nâng cao sức khoẻ cho đối tượng này.
- Thay đổi chuyển hoá cơ bản và chuyển hoá glucose có thể gây ra do khối lượng cơ bắp giảm. Khối cơ bắp giảm nhanh hơn khối thịt khi tuổi đã tăng lên. Thông thường trước năm 60 tuổi, khối cơ có tốc độ giảm đều 5%/10 năm, sau 60 tuổi tốc độ giảm nhanh hơn 10%/10 năm. Khối lượng của khối cơ có liên quan đến sự dung nạp glucose và có vai trò chuyển hoá quan trọng vì cơ xương là nơi chuyển hoá glucose lớn nhất. Thể dục có vai trò quan trọng trong việc xác định cấu tạo cơ thể và chức năng cơ. Do đó, nếu duy trì và làm tăng khối cơ bằng thể dục thì có thể giữ vững mức năng lượng và dinh dưỡng ăn vào, giữ cho tỷ lệ chuyển hoá cơ bản không thay đổi khi tuổi tăng lên.
- Nhu cầu năng lượng giảm: mức năng lượng ăn vào của người già thường thấp, mức năng lượng ăn vào giảm kéo theo sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng so với nhu cầu. Vì vậy người có tuổi cần ăn chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng. Mặt khác, người già thường khó điều chỉnh lại sự cân bằng về năng lượng sau những giai đoạn có mức năng lượng ăn vào thấp hoặc cao, do vậy khi bị bệnh thường không ăn đủ năng lượng và khó hồi phục. Sau khi khỏi bệnh, để ăn vào trở lại mức calo như trước thì phải tăng dần lượng thực phẩm thích hợp và giàu dinh dưỡng. Người già nên ăn đều đặn các bữa phụ nhỏ hơn là tăng khẩu phần của bữa chính.
- Quá trình giảm khối xương: quá trình tổng hợp vitamin D ở da giảm trong khi lượng vitamin D ăn vào không đủ, mức 25 – hydroxyvitamin D trong huyết thanh giảm dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Đối với người cao tuổi tập thể dục đều đặn giúp ngăn chặn quá trình thoái hoá xương, bổ sung vitamin D và calci có tác ụng ngăn chặn gãy xương, kể cả gãy xương đùi.
- Đáp ứng miễn dịch giảm: do 1 số tổ chức miễn dịch dần nhỏ đi, chức năng miễn dịch ở lympho T giảm và sự thiếu hụt B6 nên việc sản sinh ra Interleukin II giảm, thiếu kẽm, thiếu Magie làm suy giảm chức năng của lympho T. Do đó, chế độ ăn hợp lý, bổ sung các vitamin và khoáng chất cho người già cũng cải thiện được chức năng của hệ bạch huyết và có tác dụng chống nhiễm khuẩn.
- Người cao tuổi tăng nguy cơ mắc các bệnh: tim mạch, đột quỵ và các bệnh mạch máu ngoại vi do homocystein tăng lên từ từ khi về già.
- Chức năng khứu giác và vị giác ở người già giảm: gây ảnh hưởng đến hành vi ăn uống. Thử nghiệm cho thấy, người già có mức vitamin trong máu thấp thì điểu kiểm tra trí nhớ và tư duy trừu tượng thấp hơn bình thường.
- Thị lực kém: là suy giảm chức năng phổ biến nhất ở người già, 50% người từ 75 – 80 tuổi bị đục nhân mắt. Các chất chống oxy hoá như vitamin C, E, beta-caroten ở xung quanh thuỷ tinh thể có tác dụng bảo vệ, có khả năng ngăn chặn được bệnh này.
- Nguyên tắc chung về ăn uống đối với người cao tuổi:
+ Giảm mức ăn do nhu cầu năng lượng giảm, tránh ăn quá no, chú ý điều độ đặc biệt các dịp lễ tết.
+ Giảm đường, muối, thức ăn toan (thịt, thức ăn động vật), chế độ ăn thiên về kiềm (cải bắp, cà rốt, rau củ…)
+ Ăn thức ăn mềm và có canh vì tuyến nước bọt và hàm răng của người cao tuổi kém.
- Bữa ăn người cao tuổi nên có các món:
+ Ăn hỗn hợp thức ăn giàu đạm, béo: cá, thuỷ sản, đậu, lạc, vừng… trong đó có 1 loại acid béo không no là acid linoleic rất quan trọng trong việc phòng chống tăng cholesterol, nên ăn nhiều món từ đậu tương như đậu phụ, tương, sữa đậu nành…
+ Ăn nhiều rau tươi, quả chín: nguồn thức ăn giàu chất xơ, vitamin, chất khoáng và chất chống oxy hoá quan trọng.
- Đồ uống: nên uống các loại nước rau quả thường xuyên, hạn chế uống rượu.
- Trường hợp có bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng (béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp) nên có chế độ ăn thích hợp theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng.
- Nếu đang dùng thuốc cũng cần có chế độ ăn riêng để giảm thiểu phản ứng giữa thuốc và thức ăn.
Dịch tể học ngộ độc thực phẩm theo từng tác nhân (14/07/2011) Một số chế độ ăn thường gặp trong điều trị (14/07/2011) Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt (14/07/2011) Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt (14/07/2011) Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai (14/07/2011) Vai trò và nhu cầu của protein (14/07/2011) Nhu cầu năng lượng (14/07/2011) Biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường ở cơ sở điều trị (14/07/2011) Các nguồn lây nhiễm trùng và các hình thức lây nhiễm trùng trong bệnh viện (14/07/2011) Biến dạng cột sống liên quan trường học (14/07/2011)