Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt
Thiếu vitamin A là một trong các bệnh thiếu dinh dưỡng quan trọng nhất ở trẻ em, vì nó gây những tổn thương ở mắt mà hậu quả có thể dẫn đến mù, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tử vong. Nguyên nhân thường thiếu cung cấp, nhiễm trùng và suy dinh dưỡng. Thiếu vitamin A xuất hiện khi đứa trẻ ăn không đủ nhu cầu vitamin A, dự trữ vitamin A trong gan đã cạn kiệt. Các bệnh nhiễm trùng, kí sinh trùng sau đây có liên quan nhiều tới thiếu vitamin A gồm: Sởi, Tiêu chảy, Viêm đường hô hấp, Nhiễm giun nặng, nhất là giun đũa gây giảm hấp thu, thiếu cung cấp do kiêng ăn và tăng sử dụng là nguyên nhân của thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A thường kèm theo suy dinh dưỡng, thiếu protein gây ảnh hưởng tới chuyển hoá, vận chuyển và sử dụng vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, thiếu các vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hoá vitamin A trong cơ thể.
Thiếu vitamin A nhẹ làm giảm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do giảm đề kháng. Thiếu vitamin A nặng gây các tổn thương mắt, có thể gây mù loà vĩnh viễn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại theo các giai đoạn sau:
1. Quáng gà (ký hiệu là XN), là biểu hiện sớm nhất của bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, là hiện tượng giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng.
2. Vệt Bitot ( Ký hiệu là X1B).
3. Khô giác mạc (Ký hiệu là X2).
4. Loét nhuyễn giác mạc (Ký hiệu là X3).
5. Sẹo giác mạc do khô mắt (Ký hiệu là XS).
6. Tổn thương đáy mắt do khô mắt (Ký hiệu XF).
Đánh giá mức độ thiếu vitamin A và bệnh khô mắt ở cộng đồng: Thiếu vitamin A có thể là vấn đề có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng ở vùng này nhưng lại không có ý nghĩa ở vùng khác. WHO khuyến nghị sử dụng các chỉ tiêu về tỉ lệ mắc bệnh thiếu vitamin A ở trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi để xác định vùng có vấn đề của bệnh khô mắt như sau:
· Tỉ lệ Vệt Bitot (X1B) > 0.5%
· Khô giác mạc/ loét giác mạc/ nhũn giác mạc (X2/X3A/X3B) > 0,01%
· Sẹo giác mạc do khô mắt (XS) > 0,05%.
Ở Việt Nam, năm 1988, tỷ lệ khô mắt có tổn thương giác mạc ở trẻ em trước tuổi đi học 7 lần cao hơn ngưỡng của WHO và từ đó Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình phòng chống thiếu vitamin A.
Về điều trị, đối với trẻ dưới 1 tuổi khi có dấu hiệu của bệnh khô mắt điều trị ngay lập tức 100.000 UI (uống)/ngày x 2 ngày liên tiếp, lập lại liều thứ ba 100.000 UI (uống)/ngày sau 2 – 4 tuần. Tổng liều 300.000 UI uống. Đối với trẻ trên 1 tuổi 200.000 UI (uống) x 2 ngày liên tiếp, lập lại 200.000 UI (uống) sau 2 – 4 tuần.
Biệp pháp phòng ngừa thiếu vitamin A và bệnh khô mắt tốt nhất là:
1. Khuyến khích các bà mẹ và gia đình cho trẻ ăn đủ thức ăn giàu vitamin A như hoa, quả, rau có màu xanh đậm, củ màu vàng, thịt, cá, gan gia súc và dầu ăn. Trao đổi với các thành viên gia đình về nhu cầu đặc biệt và thức ăn giàu vitamin A cần cho trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và trao đổi với gia đình về thức ăn giàu vitamin A, khuyến khích gia đình tự nuôi trồng để gia đình sử dụng vào bữa ăn cho trẻ và bà mẹ
2. Khuyến khích bà mẹ cho con bú sữa mẹ ít nhất đến khi trẻ 2 tuổi.
3. Cho đối tượng nguy cơ cao gồm trẻ em dưới 6 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh, uống vitamin A liều cao để tăng dự trữ trong gan là biện pháp ngắn hạn để phòng thiếu vitamin A với liều như sau:
+ Phụ nữ sau sinh trong vòng 0 – 4 tuần : 200.000 UI
+ Trẻ từ 6 – 12 tháng : 100.000 UI
Dịch tể học ngộ độc thực phẩm theo từng tác nhân (14/07/2011) Một số chế độ ăn thường gặp trong điều trị (14/07/2011) Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt (14/07/2011) Dinh dưỡng cho người cao tuổi (14/07/2011) Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai (14/07/2011) Vai trò và nhu cầu của protein (14/07/2011) Nhu cầu năng lượng (14/07/2011) Biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường ở cơ sở điều trị (14/07/2011) Các nguồn lây nhiễm trùng và các hình thức lây nhiễm trùng trong bệnh viện (14/07/2011) Biến dạng cột sống liên quan trường học (14/07/2011)