Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai

Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai

Dinh dưỡng của phụ nữ mang thai thường được so sánh với nhu cầu của người phụ nữ trưởng thành không mang thai. Khi mang thai, nhu cầu một số chất dinh dưỡng tăng nhiều như sắt và vitamin A do cơ thể người mẹ sử dụng trong quá trình mang thai, đồng thời để thai nhi phát triển và dự trữ. Những chất dinh dưỡng khác như vitamin D, vitamin C và Calci không được thai nhi dự trữ mà nhu cầu chỉ đáp ứng cho thai nhi phát triển.

1. Nhu cầu năng lượng: tăng lên khi có thai bởi các lý do: Sự phát triển và hoạt động sinh lý của thai nhi. Sự phát triển của tử cung. Cơ thể người mẹ tăng trọng lượng. Người mẹ phải thêm những hoạt động để mang thai nhi, và mang thêm khối lượng cơ thể và chuyển hóa cơ bản tăng lên. Tổng hợp tất cả những thay đổi nhu cầu năng lượng tăng thêm của quá trình mang thai trong cả 9 tháng là 85000 kcal. Điều đó tương đương với việc thêm vào 300kcal/ngày. Khi đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng cơ thể người mẹ sẽ có được năng lượng dự trữ để cho quá trình tạo sữa sau này.

2. Nhu cầu Protein: tăng lên để đảm bảo sự phát triển thai nhi, nhau thai, các mô của người mẹ. Khi có thai tăng lên trung bình là 10 g/ngày và tăng lên 15 g/ngày vào 6 tháng cuối.

3. Nhu cầu Calci: Calci cần thiết cho người phụ nữ mang thai để cung cấp cho thai nhi xây dựng xương. Người mẹ chuyển calci cho trẻ từ khi bắt đầu mang thai đến khi sinh khoảng 30g. Những tháng đầu khi mang thai chỉ cần tăng lên 110mg/ngày từ thai kỳ thứ 2 sẽ tăng thêm 350mg/ngày trong 6 tháng cuối là 1g/ngày.

4. Nhu cầu chất sắt: Sắt cần thiết cho bào thai, sắt dự trữ của thai nhi được tăng lên từ cuối tháng thứ 3 đến tháng thứ 6. Người mẹ cần chuyển cho thai nhi từ 200 – 370 mg sắt trong suốt quá trình mang thai. Ngoài ra, người mẹ cần sắt cho hình thành nhau thai, cho việc tăng khối lượng máu và cho quá trình mất máu khi sinh.

Nhu cầu hằng ngày người mẹ mang thai cần được cung cấp lượng sắt là 3mg, để có đáp ứng nhu cầu thực sự đó người mẹ cần lượng sắt trong khẩu phần là 30mg/ngày.

Tuy nhiên, việc đảm bảo nhu cầu sắt cho phụ nữ ở nước ta bằng thức ăn còn nhiều khó khăn, chính vì vậy chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng đã được triển khai cho các phụ nữ mang thai uống viên sắt vào thai kỳ thứ 2 mỗi ngày uống 1 viên sắt có hàm lượng sắt nguyên tố 60mg.

5. Nhu cầu các Vitamin tan trong dầu: nhu cầu Vitamin A của phụ nữ có thai cũng tương đương nhu cầu phụ nữ thời kỳ không mang thai là 600mcg/ngày. Nhu cầu Vitamin D cho phụ nữ có thai là 10mcg/ngày (400IU/ngày), gấp đôi so với thời phụ nữ không mang thai, nhằm đảm bảo vitamin D đi qua nhau thai tham gia vào quá trình chuyển hóa xây dựng xương của thai nhi. Khi người mẹ thiếu vitamin K trong thời kỳ mang thai, dẫn đến nguy cơ xuất huyết não, màng não ở trẻ sau khi sinh chính vì vậy việc đáp ứng nhu cầu vitamin K cũng rất quan trọng.

6. Nhu cầu các vitamin tan trong nước: Vitamin B­(thiamin): nhu cầu phụ nữ mang thai được bổ sung 0,2 mg/ngày. Vitamin B­(Riboflavin) tăng lên đáp ứng với quá trình tăng cân của bà mẹ khi mang thai và sự phát triển của thai nhi, lượng vitamin B2 tăng lên 0,2mg/ngày. Acid Folic tăng lên ở suốt quá trình mang thai, do folat tham gia vào quá trình ARN, ADN, tham gia vào quá trình phân chia tế bào và quá trình tạo hồng cầu. Nhu cầu folat đối với phụ nữ mang thai là 400mcg/ngày. Nhu cầu vitamin C hiện nay được tổ chức WHO đề nghị là tăng thêm 10mg/ngày.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 14/07/2011

Số lượt truy cập
11.007.551
239 người đang xem