Biến dạng cột sống liên quan trường học
Biến dạng cột sống xảy ra do trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, cột sống có những hình dạng thay đổi khác với các đường cong sinh lý bình thường và có khả năng ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. Đây là chứng bệnh khá phổ biến, có thể đeo đẳng suốt cả đời người. Nếu nhẹ, có thể sẽ khiến ngoại hình mất cân đối, kém thẩm mỹ, hạn chế phần nào khả năng lao động. Trong trường hợp nặng, lồng ngực BN sẽ bị lép do xương sườn xẹp, dung tích phổi giảm gây hạn chế sức thở và giảm tuổi thọ. Các nguyên nhân thường gặp có thể gây biến dạng cột sống ở trẻ em là:
1. Do bàn ghế thiếu, hay không phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh trường học: bàn ghế quá thấp, hoặc bàn quá cao mà ghế lại quá thấp, hay bàn thấp mà ghế lại quá cao, hoặc bàn ghế chật hẹp làm cho trẻ bị gò bó, ngồi xiêu vẹo…
2. Ánh sáng trong lớp học không đầy đủ, học sinh phải ngồi xoay vở ra phía có nhiều ánh sáng để học, để viết.
3. Do học sinh có tư thế ngồi học xấu, không điều chỉnh, uốn nắn kịp thời. ví dụ như: ngồi vẹo đầu, vặn người, tì ngực vào bàn, hay ngồi xổm để học…
4. Xách hay đeo cặp thuận 1 bên quá nặng, kéo dài lâu ngày…
5. Do trẻ phải lao động chân tay quá sớm hoặc phải ngồi làm nghề thủ công ở tư thế gò bó trong thời gian dài, gánh vác, đội, cõng hoặc bế nách em nhỏ…
6. Do bệnh tật, tai nạn, còi xương, suy dinh dưỡng…
Các dạng biến dạng cột sống:
1. Vẹo cột sống (Scoliosis)
Đây là loại biến dạng cột sống thường gặp nhất. Khi đó, đoạn cột sống ngực cong sang 1 bên, thường cong sang bên phải (bên thuận), do trẻ ngồi học không thẳng mà nghiêng sang 1 bên thường xuyên, tật này đáng lẽ chỉ gặp ở những người nhạc sĩ kéo đàn Violon, dân chày kéo lưới, người chèo thuyền đò… Khi BN đứng thẳng, quan sát từ phía sau thường gặp 4 dạng sau: hình chữ C thuận, hình chữ C ngược, hình chữ S thuận, hình chữ S ngược. Tình trạng cong vẹo cột sống có thể ít hay nhiều, từ đó dẫn tới các dị tật ở mức độ khác nhau, thông thường được phân làm 3 loại:
- Vẹo độ 1: khi đứng thẳng thì có xoáy vặn cột sống nhưng hình thể vẹo không thấy rõ ràng, khó phát hiện bằng mắt thường, nói chung chưa ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
- Vẹo độ 2: khi đứng thẳng, nhìn sau lưng cũng đã thấy được hình dáng cong vẹo cột sống, thấy được ụ ngồi sườn do đốt sống bị xoáy vặn, bắt đầu có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
- Vẹo độ 3: nhìn thấy rõ tư thế lệch, cột sống bị cong ảnh hưởng rõ tới quá trình hô hấp, có thể biến dạng khung chậu, ở nữ việc sinh con bị trở ngại.
Ở các trường hợp nặng, bắp thịt bị kéo căng và có hiện tượng đau, xương ngực có thể bị biến dạng, tim phổi xê dịch vị trí, chiều dài của lưng bị ngắn lại. Xương chậu cũng có thể bị xoay lệch, các cơ quan trong ổ bụng cũng có thể dịch vị trí.
2. Gù lưng (cyphosis):
Sự thay đổi cấu trúc cột sống thể hiện ở chỗ đoạn cột sống ngực quá cong lồi ra phía trước, tật này hay gặp ở trẻ em ngồi học lâu thường xuyên, đầu cúi sát mặt bàn, tì ngực vào bàn hoặc thường xuyên gánh gồng, mang vác nặng quá sức, tật đáng lẽ chỉ gặp ở người già. Khi trẻ đứng thẳng, nhìn từ bên hông sẽ thấy đường cong cột sống lưng nhô lên quá cao khiến thân hình ngắn lại.
3. Ưỡn lưng (lordosis):
Đây là loại biến dạng cột sống ít gặp, đoạn cột sống thắt lưng quá ưỡn ra trước, tật này có thể gặp ở những trẻ ngồi ưỡn bụng, hay ở những bé gái mang giầy – guốc quá cao gót làm cho cột sống thắt lưng bẻ gập vào đoạn cột sống cùn cụt đẩy mông ra sau rõ hơn. Khi trẻ đứng thẳng, quan sát từ bên hông thấy vòng cong thắt lưng ưỡn ra phía trước, làm ngực nhô lên, hai vai so lại, mặt có xu hướng ngữa lên.
Các yêu cầu vệ sinh cơ bản của trường lớp học (14/07/2011) Biện pháp xử lý rác thải (14/07/2011) Đặc điểm về 3 bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do hậu quả của sự ô nhiễm đất (14/07/2011) Các biện pháp khống chế sự ô nhiễm không khí (14/07/2011) Các phương pháp xử lý nước dùng trong sinh hoạt (14/07/2011) Đặc điểm nguyên nhân bệnh không truyền nhiễm (14/07/2011) Dây truyền nhiễm trùng (14/07/2011) Nghiên cứu đoàn hệ (14/07/2011) Chọn nhóm bệnh trong nghiên cứu bệnh chứng (14/07/2011)