Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt

Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemogiobin trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu, bất kể do nguyên nhân gì (theo WHO).

Phổ biến nhất trong thiếu máu dinh dưỡng là do thiếu sắt, vì sắt rất cần thiết trong quá trình tạo hemoglobin. Cũng có những bệnh thiếu máu dinh dưỡng ít phổ biến hơn như thiếu vitamin B12, B2, thiếu acid folic. Thiếu máu do thiếu sắt có thể kết hợp với thiếu acid folic, thiếu vitamin B12. Thiếu máu hay gặp nhất ở phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em nhỏ.

Ở nước ta, năm 2003, thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi là 34,1%, phụ nữ có thai là 32,2%. Trẻ thiếu máu sẽ thiếu năng lượng cho học tập, vui chơi, và phát triển tinh thần chậm. Thiếu máu ở phụ nữ có thai làm tăng nguy cơ tử vong mẹ bởi vì trong thời kỳ sinh con người mẹ thường yếu và có khả năng chảy máu nặng, tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân, trẻ yếu và nguy cơ tử cong cao.

Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu thiếu sắt thường rất nghèo nàn, lặng lẽ. Chính vì vậy mà thiếu máu thiếu sắt thực sự là một bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng tiềm ẩn. Người bị thiếu máu có thể không tự nhận ra mình có bệnh, điều đó cho thấy sự khó khăn trong phòng chống bệnh này ở công đồng. Biểu hiện của thiếu máu nhẹ là: mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung. Đối với trẻ em, biểu hiện của thiếu máu là: nhận thức chậm, trí nhớ kém, trong lớp hay ngủ gật. Khi bị thiếu máu nặng có thể xuất hiện các triệu chứng sau: hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán thiếu máu là định lượng Hemoglobin (Hb) và dựa vào ngưỡng của WHO để chẩn đoán thiếu máu. Tuy nhiên, đánh giá tỷ lệ thiếu máu chưa thể đoán được nguyên nhân thiếu máu do đó cần có thêm các xét nghiệm để chẩn đoán thiếu sắt. Khi điều kiện cho phép tiến hành, có thể làm định lượng ferritin huyết thanh, Trasferrin, Transferin receptor. Ở người bình thường, lượng ferritin trong huyết thanh là 70 µg/dL, khi dưới 20 µg/dL được coi là thiếu dự trữ sắt, dưới 12 µg/dL được coi là cạn kiệt dự trữ sắt.

Về điều trị, khi phát hiện một người có triệu chứng lâm sàng thiếu máu cần xác định chẩn đoán bằng một số xét nghiệm Hemoglobin, xét nghiệm các bệnh về Hồng cầu và Thalassemia, xét nghiệm phân phát hiện các ký sinh trùng đường ruột và tiến hành điều trị theo nguyên nhân. Điều trị thiếu máu do thiếu sắt: Uống viên sắt acid folic 200mg ferrosunfat (hàm lượng 60mg sắt và 250 mcg acid folic/1 viên): 1 – 2 viên/ ngày x 3 – 5 tháng ở thai kỳ thứ 2 đối với phụ nữ có thai, và 30 – 60 mg sắt (1 viên) dạng nước hoặc dạng viên, đối với trẻ em.

Các biệp pháp phòng thiếu máu, thiếu sắt:

1. Khuyến khích nhân dân xây dựng và sử dụng hố xí hợp vệ sinh, bảo vệ nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường để phòng ngừa các bệnh như giun móc, sán máng, sốt rét.

2. Khi phát hiện đối tượng có nguy cơ cao thì nên giúp họ cải thiện chế độ ăn hoặc cho uống viên sắt folat.

3. Khuyến khích người dân ăn thức ăn giàu sắt và acid folic.

4. Các lọai rau quả chứa nhiều vitamin C và acid citric giúp hấp thu sắt tốt hơn. Không nên nấu rau quá kỹ làm hao hụt vitamin C.

5. Tránh dùng trà, cà phê sau bữa ăn vì tamin trong trà ngăn cản hấp thu sắt.

6. Khuyến khích phụ nữ có thai và mới sinh uống viên sắt folat.

7. Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, vì nuôi con bằng sữa mẹ sớm sau sinh giúp bà mẹ bớt mất máu và sớm cung cấp sắt cho trẻ.

8. Khuyến khích kế hoạch hoá gia đình sinh cho cách nhau ít nhất 2 – 5 năm để người mẹ đủ thời gian phục hồi dự trữ sắt trở lại.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 14/07/2011

Số lượt truy cập
11.007.544
241 người đang xem