Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Tổ chức và nhiệm vụ y tế tuyến xã, phường (Trạm Y tế)

Tổ chức và nhiệm vụ y tế tuyến xã, phường (trạm y tế)

I. Vị trí chức năng:

Y tế xã, phường là đơn vị kỹ thuật y tế đầu tiên tiếp xúc với nhân dân, nằm trong hệ thống y tế Nhà nước. Trạm y tế (TYT) xã, phường chịu sự quản lý của ủy ban nhân dân xã, phường trong công tác xây dụng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

II. Tổ chức biên chế:

TYT xã, phường được tổ chức theo địa bàn cụm dân cư, địa giới hành chính, theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khả năng ngân sách của cộng đồng. Cán bộ y tế (CBYT) phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp, có kiến thức về y tế cộng đồng và gồm 3 bộ phận: Vệ sinh phòng bệnh, Điều trị và hộ sinh, và Dược. Chức danh và chuyên môn cơ bản của CBYT xã phường: Bác sĩ hoặc y sĩ đa khoa có thêm chuyên môn về y tế cộng đồng, y học cổ truyền, sản nhi; Nữ hộ sinh trung học hay sơ học, và Y tá trung hay sơ học. Biên chế CBYT ở TYT xã, phường được xác định dựa theo: Địa bàn hoạt động và số lượng dân cư.

Biên chế TYT khu vực đồng bằng, trung du: 3 - 4 CBYT/ xã ≤ 8000 dân; 4 - 5 CBYT/ xã trên 8000 đến 12000 dân; và xã trên 12000 dân được bố trí tối đa 6 CBYT. Biên chế TYT các phường, thị trấn và những xã có phòng khám khu vực đóng, số lượng cán bộ y tế được bố trí 2 – 3 người. Ngoài số cán bộ y tế trong biên chức định mức. Nhà nước của từng TYT, nếu nhu cầu cần thêm cán bộ y tế thì UBND xã, phường có thể ký hợp đồng với CBYT khác có nhu cầu làm việc và thù lao do xã tự lo.

III. Nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường:

1.      Lập kế hoạch hoạt động và lựa chọn chương trình ưu tiên về chuyên môn y tế của UBND xã, phường, thị trấn duyệt, báo cáo Phòng Y tế, quận, thị xã và tổ chức triển khai thực hiện sau khi kế hoạch đã được phê duyệt.

2.      Phát hiện báo cáo kịp thời các bệnh dịch lên tuyến trên và giúp chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp về công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, giữ vệ sinh những nơi công cộng và đường làng, xã, tuyên truyền ý thức bảo vệ sức khỏe cho mọi đối tượng tại cộng đồng.

3.      Tuyên truyền vận động, triển khai thực hiện các biện pháp chuyên môn về bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo việc quản lý thai, khám thai và đỡ đẻ thường cho sản phụ.

4.      Tổ chức sơ cứu ban đầu, khám, chữa bệnh thông thường cho nhân dân tại trạm y tế và mở rộng dần việc quản lý sức khỏe tại hộ gia đình.

5.      Tổ chức khám sức khỏe và quản lý sức khoẻ cho các đối tượng trong khu vực mình phụ trách, tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

6.      Xây dựng vốn tủ thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và hợp lý, có kế hoạch quản lý các nguồn thuốc. Xây dựng phát triển thuốc Nam, kết hợp ứng dụng y học dân tộc trong phòng và chữa bệnh.

7.      Quản lý các chỉ số sức khỏe và tổng hợp báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác lên tuyến trên theo quy định thuộc đơn vị mình phụ trách.

8.      Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế thôn, làng, ấp, bản và nhân viên y tế cộng đồng.

9.      Tham mưu cho chính quyền, xã, phường, thị trấn và phòng y tế chỉ đạo thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu và tổ chức thực hiện những nội dung chuyên môn thuộc các chương trình trọng điểm về y tế tại địa phương.

10. Phát hiện, báo cáo UBND xã và cơ quan y tế cấp trên các hành vi hoạt động y tế phạm pháp trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

11. Kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng, các ngành trong xã để tuyên truyền và cùng tổ chức thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 14/07/2011

Số lượt truy cập
10.776.699
373 người đang xem