Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Ung thư niêm mạc tử cung

Ung thư niêm mạc tử cung: yếu tố nguy cơ, lâm sàng, cận lâm sàng, các giai đoạn lâm sàng, điều trị

I. Các yếu tố nguy cơ:

- Tuổi: từ 50 – 70.

- Không sinh đẻ hoặc đẻ ít.

- Béo phì (trên 25 kg so với bình thường).

- Đái tháo đường.

- Cao huyết áp.

- Bệnh lý ở tử cung: quá sản nội mạc tử cung.

- Mãn kinh muộn: sau 55 tuổi.

- Dùng estrogen đơn thuần, kéo dài.

- Tiền sử ung thư buồng trứng, ung thư vú và ung thư đại tràng.

II. Lâm sàng:

1. Ra máu bất thường (# 95% các trường hợp)

Ra máu ở người đã mãn kinh là một dấu hiệu có giá trị, có khi ra máu trong thời kỳ tiền mãn kinh, làm cho ta lầm với những rối loạn của thời kỳ này. Ra máu thường kèm theo khí hư nhiều, hôi.

2. Hỏi bệnh:

Có thể phát hiện được các yếu tố nguy cơ hiện tại cũng như trong tiền sử.

3. Khám thực thể:

- Khám mỏ vịt: cũng có khi thấy âm đạo bình thường, hơi teo ở những người mãn kinh. Thường thì khí hư nhiều, nhầy loãng, hôi, có khi là mủ. Trong trường hợp này thường kèm theo đau và cảm giác nặng nề ở vùng hạ vị.

- Khám âm đạo bằng tay, tử cung thường có kích thước bình thường, cũng có thể hơi to và mềm. Có khi phát hiện u xơ tử cung đi kèm.

III. Cận lâm sàng:

- Xét nghiệm tế bào bệnh học: bệnh phẩm là dịch hút từ buồng tử cung. Đây là dấu hiệu quyết định chẩn đoán.

o Thuận lợi: dễ thực hiện, ít có biến chứng.

o Không thuận lợi: những trường hợp ung thư giai đoạn sớm có thể khó phát hiện.

- Chụp buồng tử cung: chỉ bơm thuốc cản quang với áp lực nhẹ đủ thuốc ngấm trong buồng tử cung mà không cần lan ra 2 vòi trứng, có thể thấy hình ảnh khuyết, bờ không đều, nham nhở, buồng tử cung lớn, có hình ảnh đọng dịch. Thủ thuật này hiện nay ít được chỉ định.

- Soi buồng tử cung: quan sát trực tiếp hình ảnh nội mạc tử cung cũng như thương tổn một cách chính xác như nụ sùi, vùng loét hoại tử chảy máu, hoặc hình ảnh quá sản nội mạc tử cung chạm vào dễ chảy máu, xác định được độ lan rộng và giúp định vị vùng sinh thiết.

o Thuận lợi: dễ làm, có thể tiến hành nhanh ở phòng khám bệnh.

o Không thuận lợi: phương tiện đắt.

- Nạo sinh thiết toàn bộ tử cung: tiến hành cẩn thận, đề phòng thủng. Tốt nhất nên làm từ ngoài vào trong và để riêng bệnh phẩm: ống cổ tử cung và buồng tử cung. Sử dụng thìa nạo hoặc ống hút Novak. Kết quả sinh thiết giúp phân loại mô học.

- Siêu âm: nhất là siêu âm theo đường âm đạo cho hình ảnh thực thể của tử cung, nội mạc dày hoặc đánh giá độ lan tràn và bề dày lớp cơ. Đồng thời siêu âm cũng giúp khảo sát các bệnh lý phối hợp như u xơ tử cung, u nang buồng trứng…

- Chụp cắt lớp: là một phương pháp khá hữu hiệu để xác định mức độ xâm lấn và lan tràn của ung thư, nhất là ở các giai đoạn muộn. Phương pháp này chỉ được định trong những trường hợp cần thiết phải chẩn đoán phân biệt.

Cần phải đánh giá tình trạng ung thư tuyến khác có thể kèm theo như ung thư vú hoặc đại tràng.

IV. Các giai đoạn lâm sàng:

Theo FIGO 1988 (Fédération Internationale de Gynécologie et Obsstétrique)

Giai đoạn I:

- IA: tổn thương giới hạn ở niêm mạc tử cung (bề mặt)

- IB: tổn thương ăn sâu vào lớp cơ tử cung < 50%

- IC: tổn thương ăn sâu vào lớp cơ tử cung > 50%

Giai đoạn II:

- IIA: tổn thương lan vào ống cổ tử cung, chỉ ở niêm mạc

- IIB: tổn thương lan vào tổ chức đệm của ống cổ tử cung.

Giai đoạn III:

- IIIA: tổn thương xâm nhiễm vào thanh mạc hay phần phụ hay tế bào phúc mạc dương tính.

- IIIB: tổn thương di căn âm đạo

- IIIC: tổn thương di căn tiểu khung hay cạnh động mạch chủ.

Giai đoạn IV:

- IVA: tổn thương ung thư xâm nhiễm vào bàng quang hay ruột.

- IVB: ung thư di căn xa bao gồm di căn hạch trong ổ bụng hay hạch bẹn.

V. Điều trị

1. Chỉ định điều trị:

Cần phải cân nhắc kỹ theo thể trạng và giai đoạn:

- Theo giai đoạn (Theo phân loại FIGO):

o Giai đoạn 1: cắt tử cung toàn phần,  lấy hạch dọc tĩnh mạch, nếu hạch xâm nhiễm thì xạ trị ngoài. U biệt hoá cao thì bổ sung nội tiết.

o Giai đoạn 2: tia xạ tại chỗ và phẫu thuật cắt tử cung toàn phần rộng rãi và lấy hạch. Sau 4 – 6 tuần thì tia xạ ngoài nếu hạch xâm nhiễm.

o Giai đoạn 3: nếu mổ được thì cắt bỏ và xạ trị, nếu không thì xạ trị bằng kim radium đặt tại chỗ và hormone liệu pháp kết hợp (thực hiện tại chuyên khoa ung thư).

o Giai đoạn 4: điều trị triệu chứng bằng progestatif. Trong trường hợp tái phát ở mỏm cắt âm đạo thì đặt kim Radium.

2. Điều trị phẫu thuật:

Phẫu thuật là phương pháp cơ bản. Tuỳ theo trường hợp mà chỉ định cắt tử cung toàn phần, cắt 2 phần phụ, hoặc cắt tử cung rộng rãi có nạo hạch, cắt hết mạc nối lớn, nên cắt tử cung qua đường bụng để quan sát rõ các tổn thương phối hợp.

3. Tia xạ:

- Chỉ định đối với ung thư giai đoạn muộn hoặc điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật.

- Radium, Cobalt tại chỗ (thuộc chuyên khoa ung thư).

4. Hormone liệu pháp:

- Progestatif liều cao (tuỳ theo các thụ thể) như dùng Depoprovera 150 mg x 3 lần/tuần. Hiệu quả không rõ ràng, thường chỉ định trong trường hợp dịch rửa phúc mạc dương tính.

5. Hoá liệu pháp:

Ít hiệu quả, chỉ dùng khi tái phát ở phụ nữ trẻ.

- 5 Fluoro – uracile và canxi folinat (giúp giảm độc tính của 5 – FU).

- Adrimycine.

6. Kết quả điều trị:

- Ở giai đoạn I có # 90% sống sau 5 năm.

- Ở giai đoạn II có # 75% sống sau 5 năm.

- Ở giai đoạn III có # 30% sống sau 5 năm.

- Ở giai đoạn IV có ít hơn # 9% sống sau 5 năm.

- 70% tái phát xảy ra trong 2 năm đầu sau điều trị.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 05/07/2011
 1  2