Phân loại, triệu chứng, biến chứng và điều trị u nang buồng trứng
I. Phân loại:
1. U nang cơ năng:
U nang cơ năng là loại u nang không có tổn thương giải phẫu, chỉ tổn thương về chức năng buồng trứng. Đường kính thường nhỏ hơn 6 cm, có loại lớn nhanh nhưng mất sớm, chỉ tồn tại sau vài chu kỳ kinh nguyệt.
Có 3 loại u nang cơ năng:
- U nang bọc noãn: được sinh ra từ bọc De Graaf không vỡ vào ngày qui định, tiếp tục tiết estrogen, u thường nhỏ, kích thước thay đổi. Dịch trong nang có màu vàng, chứa nhiều estrogen.
- U nang hoàng tuyến: thường gặp ở người chửa trứng, chorio, do tăng hCG. Có khi gặp ở người đang điều trị vô sinh bằng hormone sinh dục của tuyến yên với liều cao. Khi khỏi bệnh nang hoàng tuyến sẽ biến mất.
- U nang hoàng thể: được sinh ra từ hoàng thể. Chỉ gặp trong thời kỳ thai nghén do chửa nhiều thai, u nang chế tiết nhiều estrogen, progesteron.
2. U nang thực thể:
Do tổn thương thực thể giải phẫu buồng trứng. U thường phát triển chậm nhưng không bao giờ mất. Kích thước u nang thường lớn, có vỏ dày đa số lành tính.
Có 3 loại u nang thực thể:
- U nang bì: thường gặp ở người trẻ, kích thước nhỏ, cuống dài, trong chứa tuyến bã, răng, tóc, dịch bã đậu là các tổ chức có nguồn gốc bào thai.
- U nang nước: thường gặp ở người trẻ, u có cuống dài, vỏ mỏng, thường chỉ 1 túi, trơn, ít dính, có dịch trong hoặc vàng chanh.
- U nang nhầy: là loại u to nhất có khi nặng 40 – 50 kg. Hay dính các tạng xung quanh, u nang có nhiều túi. Dịch trong nang đặc hay dịch nhầy, màu vàng nhạt hay nâu.
II. Triệu chứng:
1. Lâm sàng:
Triệu chứng hay gặp là đau bụng, bụng lớn, cảm giác khó chịu, có thể ra máu ở tử cung. Ung thư buồng trứng thường thầm lặng, không có triệu chứng báo trước nên 70% BN đến khám vì tự sờ thấy khối u ở bụng hay do đi khám phụ khoa mà phát hiện ra.
- Những triệu chứng chèn ép liên quan với giai đoạn phát triển ban đầu.
- Triệu chứng lan rộng vào ổ bụng biểu hiện bằng hiện tượng cổ trướng.
- Những triệu chứng về nội tiết như mất kinh hoặc tăng tiết estrogen.
Một khối u có khuynh hướng ác tính khi khám thấy kích thước khối u phát triển nhanh, mật độ khối u chắc, di động hạn chế và phát triển cả 2 bên buồng trứng.
- Thăm âm đạo: nếu u nhỏ không có gì đặc biệt. Khi khối u to mà đường kính từ 5 cm ở những phụ nữ 40 – 60 tuổi. Khám thấy lổm nhổn, nhiều thuỳ, nhiều nhú, có thể có dịch ổ bụng, di động hạn chế, có thể phát triển cả 2 buồng trứng.
2. Cận lâm sàng:
- Tế bào học âm đạo cổ tử cung: ít có giá trị trong chẩn đoán ung thư buồng trứng.
- Tế bào nước cổ trướng: 96% ung thư giai đoạn muộn có tế bào ung thư rụng, phiến đồ dương tính. Theo Graham có những trường hợp ung thư ở giai đoạn sớm, tế bào không rụng trong tiểu khung do đó có khoảng 34% âm tính giả. Đây là phương pháp tốt để chẩn đoán và theo dõi sự tiến triển của bệnh.
- Siêu âm: khối u ở 1 hay 2 buồng trứng, có nhiều chồi, nhú, có nhiều hốc, u hỗn hợp, có thể kèm theo dịch ổ bụng sẽ gợi ý một u ác tính.
- CA 125: là chất chỉ điểm ung thư, đặc biệt là khi nồng độ CA 125 trong ung thư buồng trứng tăng là bệnh tiến triển và khi nồng độ CA 125 giảm là bệnh thoái triển, thông thường sau phẫu thuật nồng độ CA 125 trở lại bình thường sau 3 tháng.
- α – fetoprotein huyết thanh và β – hCG giúp phân biệt bản chất của khối u.
Nếu khối u buồng trứng có kèm theo cổ trướng thì cổ trướng có giá trị trong tiến triển và tiên lượng bệnh. Cổ trướng là nước vàng chanh có tiên lượng xấu, nếu nước cổ trướng lẫn máu thì tiên lượng rất xấu, 70% BN chết trong năm đầu.
III. Biến chứng:
- Xoắn u nang: là biến chứng hay gặp nhất. Các khối u có đường kính trung bình (từ 8 – 15cm), cuống dài hay bị xoắn. Có 2 hình thức xoắn:
- Xoắn cấp tính: bệnh cảnh xảy ra đột ngột, đau bụng dữ dội, có thể ngất xỉu, mạch, huyết áp ổn định có thể nôn, buồn nôn, ấn khối u đau. Khi khám ấn vào khối u rất đau, di động hạn chế.
- Chảy máu trong nang: là hậu quả của xoắn cơ chế như buộc garo lỏng, máu ứ không trở về được gây vỡ mạch, nang to dần lên.
- Vỡ u nang: do xoắn nang không được điều trị kịp thời, do sang chấn, thăm khám không nhẹ nhàng hay do tai nạn. Hậu quả là chảy máu ổ bụng cấp tính.
- Viêm nhiễm: u nang dính với các tạng xung quanh gây ra viêm phúc mạc khu trú.
- Chèn ép: u nang có thể chèn ép các tạng lân cận gây bán tắc ruột, đại tiểu tiện khó.
- Ung thư hoá: ung thư có thể xảy ra ở cả 3 loại u nang thực thể, nhưng u nang nước thường gặp nhất: BN gầy, u to nhanh, nhiều thuỳ xâm lấn các tạng xung quanh.
IV. Điều trị:
- U nang cơ năng: cần theo dõi định kỳ, chỉ phẫu thuật khi biến chứng.
- U nang thực thể:
o Phẫu thuật là chủ yếu, tốt nhất nên mổ chương trình.
o Trong trường hợp u lành tính, u ở 2 buồng trứng, BN trẻ nên bóc u nang để lại phần lành. Khi mổ tốt nhất nên lấy cả khối, nếu u mắc kẹt hay quá to thì hút bớt dịch nên chèn gạc tốt để hạn chế dịch chảy vào ổ bụng.
o Khối u dính nên cẩn thận vì có thể gây tổn thương các tạng xung quanh.
o Khi phẫu thuật u nang buồng trứng xoắn phải cặp, cắt trước khi tháo xoắn.
- Các khối u đều phải gửi làm giải phẫu bệnh để xác định lành hay ác tính.
- Trường hợp u ác tính phải cắt tử cung hoàn toàn, cắt bỏ phần phụ bên kia, cắt một phần mạc nối lớn và tiếp tục điều trị hoá chất.
Ung thư cổ tử cung (05/07/2011) Ung thư niêm mạc tử cung (05/07/2011) U xơ tử cung (05/07/2011) Tiểu đường và thai (05/07/2011) Viêm ruột thừa và thai (05/07/2011) Ối vỡ non, ối vỡ sớm (05/07/2011) Thai ngoài tử cung (05/07/2011) Thai suy trong chuyển dạ (05/07/2011) Tiền sản giật (05/07/2011) Thai chết lưu (05/07/2011)