Viêm ruột thừa và thai: lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán phân biệt, xử trí
I. Lâm sàng:
1. Triệu chứng lâm sàng trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén.
Triệu chứng lâm sàng không có đặc điểm gì khác với phụ nữ không có thai:
- Sốt, mạch nhanh, vẻ mặt nhiễm trùng.
- Đau vùng hố chậu phải.
- Nôn thường xuất hiện muộn hơn, có khi nhầm với triệu chứng nôn nghén trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
- Dấu hiệu Mac Burney dương tính, ấn bụng đau ở vùng hố chậu phải.
- Khám âm đạo: tử cung lớn tương ứng tuổi thai, túi cùng phải không dầy, ấn đau.
2. Triệu chứng lâm sàng trong 6 tháng cuối thời kỳ thai nghén:
Do thai phát triển nhiều hơn 3 tháng đầu nên tử cung thường đẩy ruột thừa lên cao và ép ra ngoài thành bụng nên triệu chứng thường phức tạp, bệnh càng khó chẩn đoán, gồm các triệu chứng:
- Sốt cao, mạch nhanh, vẻ mặt nhiễm trùng.
- Đau thường ở cao hơn vị trí bình thường, như trên mào chậu có khi vùng hạ sườn phải. Cơn đau quặn bụng càng lúc càng nặng nề hơn.
- Thường có rối loạn nhu động ruột như ỉa chảy, táo bón, liệt ruột cơ năng.
- Khám:
+ Có cơn go tử cung do tử cung bị kích thích.
+ Cho sản phụ nằm ngửa, lấy tay đẩy tử cung sang phải sản phụ thường kêu đau. Hay
+ Cho sản phụ nằm nghiêng trái để tử cung có thai bị đẩy sang trái thường phát hiện viêm ruột thừa nếu ấn vào vùng hố chậu phải, hạ sườn phải sẽ giúp xác định điểm đau rõ rệt hơn.
- Khám âm đạo phối hợp nắn bụng: túi cùng phải không đầy, ấn đau ít.
II. Cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu: số lượng bạch cầu tăng, bạch cầu trung tính tăng cao.
- Siêu âm: chẩn đoán ruột thừa viêm dễ trong 3 tháng đầu nhưng khó khăn hơn trong 6 tháng cuối của thai kỳ do sự phát triển của thai nhi.
III. Chẩn đoán phân biệt:
Chẩn đoán viêm ruột thừa trong lúc mang thai thường khó khăn hơn bình thường vì điểm đau không điển hình; đặc biệt nếu viêm ruột thừa xảy ra trong chuyển dạ, cơn go tử cung thường làm mờ đi dấu hiệu đau của ruột thừa viêm.
Cần phân biệt với các bệnh lý sau:
- Trong các hình thái có hội chứng nhiễm khuẩn nặng, cần phân biệt với:
+ Viêm mủ bể thận phải, nhiễm khuẩn tiết niệu (tiểu buốt, tiểu rát, tiểu máu…)
+ Viêm túi mật cấp (sốt, đau vùng túi mật…)
+ Viêm phần phụ cấp (đau 2 bên hố chậu, sốt)
- Trong các hình thái không có sốt: chủ yếu dựa vào triệu chứng đau thì cần phân biệt với.
+ Dấu hiệu bắt đầu chuyển dạ.
+ Huyết tụ sau rau (trong rau bong non).
+ Cơn đau quặn thận, cơn đau do áp xe gan.
+ Khối u buồng trứng biến chứng (xoắn).
IV. Xử trí:
1. Đối với tuyến dưới
Nếu chẩn đoán ruột thừa viêm lúc khám thai cần chuyển ngay lên tuyến trên để có điều kiện tốt hơn giải quyết cho BN.
2. Đối với tuyến trên:
- Trong lúc có thai nếu nghi ngờ là viêm ruột thừa thì nên mổ sớm.
- Mổ theo đường Mac Burney: nếu ruột thừa bình thường cũng cần cắt bỏ ruột thừa rồi khâu vùi gốc. Trong quá trình phẫu thuật, cố gắng tránh đụng chạm đến tử cung để giảm nguy cơ gây co bóp tử cung, bao giờ cũng phải kiểm tra phần phụ phải xem có bị viêm thứ phát hay không, nhưng không được cắt bỏ để tránh cắt nhầm buồng trứng có hoàng thể thai nghén. Nếu là túi mủ ruột thừa (áp xe ruột thừa) hoặc phúc mạc viêm do ruột thừa vỡ mủ cần mổ cắt bỏ ruột thừa, rửa ổ bụng và dẫn lưu.
- Trong chuyển dạ nếu không ngăn được thì cố gắng cho đẻ đường âm đạo, nếu không đẻ được thì mổ lấy thai, sau đó cắt ruột thừa viêm, trường hợp cần thiết đôi khi cắt tử cung bán phần.
- Ngoài ra cần lưu ý để hạn chế sẩy thai, đẻ non, trước và sau khi mổ phải cho BN dùng thuốc giảm go (Papaverin) và Progesteron trong thời gian cần thiết để giúp duy trì cho thai phát triển.
- Sau khi mổ, cần chú ý dùng kháng sinh tiêm liều cao (có thể dựa vào kháng sinh đồ lúc lấy dịch mủ ổ viêm).
Ung thư cổ tử cung (05/07/2011) Ung thư niêm mạc tử cung (05/07/2011) U nang buồng trứng (05/07/2011) U xơ tử cung (05/07/2011) Tiểu đường và thai (05/07/2011) Ối vỡ non, ối vỡ sớm (05/07/2011) Thai ngoài tử cung (05/07/2011) Thai suy trong chuyển dạ (05/07/2011) Tiền sản giật (05/07/2011) Thai chết lưu (05/07/2011)