Thai ngoài tử cung: lâm sàng, cận lâm sàng, xử trí
I. Thai ngoài tử cung chưa võ:
1. Lâm sàng:
a) Triệu chứng cơ năng:
- Tắt kinh: hay có khi chỉ chậm kinh vài ngày hoặc có rối loạn kinh nguyệt, có thể có dấu hiệu nghén, vú căng.
- Đau bụng: vùng hạ vị, một bên, âm ỉ.
- Ra huyết: huyết ra ít một, rỉ rả, màu nâu đen, có khi lẫn màng, không đông.
b) Triệu chứng thực thể:
- Cổ tử cung hơi tím, mềm, đóng kín, có máu đen từ trong lòng tử cung ra.
- Tử cung lớn hơn bình thường, mềm, nhưng không tương xứng với tuổi thai.
- Có khối u cạnh tử cung mềm, bờ không rõ, di động, chạm đau hoặc hiếm hơn có thể sờ thấy khối u có dạng hơi dài theo chiều dài của vòi tử cung.
2. Cận lâm sàng:
- hCG: định tính hCG chỉ gợi ý có hoạt động của tế bào nuôi giúp xác định có thai, tuy nhiên khi hCG âm tính ta cũng chưa loại trừ được thai ngoài tử cung. Định lượng nồng độ β – hCG thấy nồng độ hCG thấp hơn so với thai nghén bình thường.
- Siêu âm: không có túi thai trong buồng tử cung, có khối âm vang hỗn hợp hoặc có hình ảnh túi thai ngoài tử cung. Có thể có hình ảnh tụ dịch ở cùng đồ sau, hoặc trong ổ bụng (tuỳ lượng dịch và máu chảy ra). Nếu siêu âm đường bụng nghi ngờ phải siêu âm đường âm đạo để kiểm tra.
- Soi ổ bụng: đây là phương pháp giúp xác định chẩn đoán và xử trí.
3. Xử trí:
a) Điều trị nội khoa:
Điều kiện:
- Khối thai ngoài tử cung chưa vỡ.
- Lượng dịch trong ổ bụng dưới 100ml.
- Đường kính khối thai dưới 4cm.
- Chưa thấy tim thai trên siêu âm.
- Nồng độ β hCG không vượt quá 6000 mIU/ml.
- BN không có chống chỉ định với Methotrexate.
b) Điều trị phẫu thuật:
- Điều trị tận gốc: cắt bỏ vòi tử cung đến sát góc tử cung và giữ lại buồng trứng, lau sạch ổ bụng, nếu sản phụ đã đẻ nhiều lần và/hoặc sản phụ có tiền sử thai ngoài tử cung nhiều lần (và không mong muốn sinh thêm con) thì triệt sản luôn vòi tử cung bên đối diện, đóng bụng, không cần dẫn lưu.
- Điều trị bảo tồn: chỉ đặt ra với những BN còn trẻ, chưa có con, tình trạng vòi tử cung bên kia bất thường và tổn thương vòi tử cung cho phép. Xẻ vòi tử cung, hút hoặc lấy bọc thai ra và cầm máu.
- Phẫu thuật nội soi: ngày nay người ta thường chỉ định và ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi trong những trường hợp thai ngoài tử cung thể đơn giản và chưa có biến chứng.
II. Thai ngoài tử cung vỡ tràn ngập máu ổ bụng:
1. Lâm sàng:
- Choáng: do tình trạng chảy máu ồ ạt trong ổ bụng. BN có biểu hiện vật vã, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ.
- Triệu chứng cơ năng:
+ Có chậm kinh, tắt kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt.
+ Ra huyết đen, ít một.
+ Thường có những cơn đau vùng hạ vị đột ngột, dữ dội làm BN choáng váng hoặc ngất đi.
- Triệu chứng thực thể:
+ Khám bụng: bụng căng, hơi chướng, có phản ứng phúc mạc khắp bụng, đặc biệt là vùng hạ vị, gõ đục ở vùng thấp.
+ Khám âm đạo: túi cùng sau đầy, ấn vào BN đau chói (tiếng kêu Douglas).
+ Di động tử cung rất đau, có cảm giác tử cung bồng bềnh trong nước. Khó xác định tử cung và 2 phần phụ vì BN đau và phản ứng nên khó khám.
2. Cận lâm sàng:
Chọc dò túi cùng Douglas: chỉ thực hiện khi không có siêu âm hoặc nghi ngờ chẩn đoán. Hút ra máu đen loãng, không đông dễ dàng.
3. Xử trí:
- Phải hồi sức chống choáng và chuyển bệnh đi bằng phương tiện nhanh nhất đến nơi có khả năng phẫu thuật gần nhất.
- Mổ ngay không trì hoãn, mổ càng sớm càng tốt, vừa mổ vừa hồi sức tích cực bằng truyền máu, truyền dịch, nếu có thể nên truyền máu hoàn hồi.
III. Thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang
Nếu phát hiện được hoặc nghi ngờ cần phải tư vấn và gửi đi bệnh viện sớm vì có thể có 2 biến chứng xảy ra: vỡ gây chảy máu lại trong ổ bụng với bệnh cảnh giống như thai ngoài tử cung vỡ và nhiễm khuẩn.
Tuyến có cơ sở phẫu thuật: chẩn đoán xác định và mổ để tránh vỡ thứ phát và nhiễm khuẩn trong ổ máu tụ. BN phải được chuẩn bị tốt trước khi mổ.
Ung thư cổ tử cung (05/07/2011) Ung thư niêm mạc tử cung (05/07/2011) U nang buồng trứng (05/07/2011) U xơ tử cung (05/07/2011) Tiểu đường và thai (05/07/2011) Viêm ruột thừa và thai (05/07/2011) Ối vỡ non, ối vỡ sớm (05/07/2011) Thai suy trong chuyển dạ (05/07/2011) Tiền sản giật (05/07/2011) Thai chết lưu (05/07/2011)