Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Thai suy trong chuyển dạ

Thai suy trong chuyển dạ: lâm sàng, cận lâm sàng

I. Lâm sàng:

Thay đổi về tim thai:

- Thay đổi tần số: bình thường tim thai có tần số 120 – 160 lần/phút. Gọi là nhịp tim thai chậm khi tần số dưới 120 lần/phút và nhịp tim thai nhanh khi tần số trên 160 lần/phút. Người ta thấy rằng với nhịp nhanh từ 160 – 180 lần/phút thì chưa thấy sự tương quan với suy thai, biểu hiện bằng chỉ số APGAR và pH máu sau sinh.

- Thay đổi tần số tim thai trong và ngoài cơn co: nếu trong cơn co tần số tim thai giảm 1/3 thì phải nghi ngờ có suy thai.

- Các nguyên nhân làm thay đổi tần số tim thai:

o Nguyên nhân của nhịp tim thai nhanh:

+ Thiếu oxy còn bù.

+ Mẹ bị thiếu máu.

+ Mẹ sốt, nhiễm trùng.

+ Do dùng thuốc (tăng co, kích thích β, Atropin…)

+ Thai non tháng.

+ Nhiễm trùng ối.

+ Mẹ lo lắng, kích thích.

+ Bệnh lý tim bẩm sinh của thai.

o Nguyên nhân của nhịp tim thai chậm:

Thiếu oxy mất bù.

+ Chèn ép cuống rốn (do phản xạ cuống rốn)

Hạ thân nhiệt.

+ Mẹ dùng thuốc (ức chế β, Magnésium sulfate…).

+ Bệnh lý tim bẩm sinh của thai.

+ Dị dạng thai.

+ Khi xuất hiện nhịp tim thai chậm là dấu hiệu cảnh báo cần có thái độ xử trí tích cực:

· Thay đổi về nhịp tim thai: khi có suy thai tim thai sẽ không đều.

· Thay đổi về cường độ tim thai: tiếng tim nghe nhỏ, mờ xa xăm.

Thay đổi nước ối:

Ngoại trừ ngôi ngược khi đã lọt, mọi trường hợp có phân su trong nước ối đều cho biết thai đã hoặc đang suy. Phân su trong nước ối là tình trạng thường gặp, khoảng 20 – 30 % các cuộc chuyển dạ đủ tháng có hiện tượng này, nó có thể liên quan đến tình trạng suy thai ở một số trường hợp. Trong trường hợp không có máy theo dõi tim thai liên tục (monitoring), để an toàn có thể coi tình trạng có phân su trong nước ối như là dấu hiệu của suy thai.

- Nước ối có màu xanh: thể hiện thai có suy trước đây và tạm thời có tiên lượng gần như ối trong, có khoảng 5% trong số này thai hít nước ối gây ra hội chứng suy hô hấp sơ sinh.

- Nước ối có dải phân su đó là tình trạng bài tiết phân su khi còn trong tử cung biểu hiện của thai suy trong chuyển dạ.

II. Cận lâm sàng:

1) Monitoring sản khoa:

Mục đích của việc theo dõi nhịp tim thai trước chuyển dạ hoặc trong chuyển dạ là để phát hiện sớm những thay đổi nồng độ oxy ở thai nhi để đề phòng những tổn thương tổ chức hoặc tử vong cho thai nhi, đặc biệt khi có chuyển dạ. Nhịp tim thai phải được xem xét trong một bối cảnh lâm sàng cụ thể như tuổi thai, tình trạng mẹ, những đánh giá khác về thai nhi, việc sử dụng thuốc… cần phải theo dõi nhịp tim thai có hệ thống.

- Nhịp tim thai bình thường trên monitoring sản khoa:

o Nhịp tim thai cơ bản 120 – 160 lần/phút.

o Có ít nhất 2 nhịp tăng trong 10 phút.

o Dao động nội tại 5 – 25 lần/phút.

o Không có nhịp giảm.

- Khi thai suy, nhịp tim thai trên monitoring có thể biểu hiện:

o Nhịp tim thai cơ bản dưới 120 hoặc trên 160 lần/phút.

o Dao động nội tại dưới 5 nhịp/phút, kéo dài trên 30 phút.

o Xuất hiện nhịp giảm chậm, giảm kéo dài và nhịp giảm biến đổi.

2) Soi ối:

Có thể kiểm tra màu sắc của nước ối ngay giai đoạn đầu của chuyển dạ bằng phương pháp soi ối. Bình thường nước ối trong hoặc có lẫn ít chất gây. Nước ối xanh hoặc lẫn phân su là có biểu hiện của suy thai. Ngày nay, soi ối ít được sử dụng.

3) Đo pH máu da đầu:

- Bình thường pH lúc bắt đầu chuyển dạ 7,29 ± 0,05 duy trì trong suốt cuộc chuyển dạ nếu không có suy thai.

- Khi cổ tử cung mở hết pH giảm nhẹ 7,28 ± 0,05

- Khi rặn sổ giảm còn 7,23 ± 0,06

- Có mối liên hệ giữa nhịp giảm muộn và pH với chỉ số APGAR xấu, khi pH < 7,25 là nghi ngờ nếu pH < 7,20 là bệnh lý.

Hiện nay xét nghiệm này hầu như không còn được sử dụng.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 05/07/2011
 1  2 

Số lượt truy cập
11.009.704
453 người đang xem