Ối vỡ non, ối vỡ sớm: nguyên nhân, lâm sàng, cận lâm sàng, xử trí
I. Nguyên nhân:
- Ngôi bất thường: ngôi ngang, ngôi mông, ngôi đầu cao.
- Khung chậu hẹp.
- Đa thai, đa ối.
- Hở eo tử cung.
- Tử cung dị dạng.
- Viêm màng ối: viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung.
- Sau sang chấn.
- Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân.
II. Lâm sàng
1. Hỏi bệnh:
- Sản phụ thấy ra nước âm đạo đột ngột, loãng, trắng trong, hoặc lợn cợn đục do lẫn chất gây, sau đó tiếp tục ra rỉ rả ít dù không có cơn co.
- Nếu đóng băng vệ sinh sẽ thấy băng thấm nước ối trong, không màu, không mùi khai.
2. Đặt mỏ vịt:
- Thấy nước ối đọng lại trong âm đạo, ở túi cùng sau.
- Nếu không thấy có thể bảo sản phụ rặn hoặc ho, sẽ thấy dịch loãng rỉ ra từ cổ tử cung.
3. Khám âm đạo:
- Khi cổ tử cung mở, không sờ thấy màng ối, đẩy ngôi thai lên có thể thấy nước ối chảy ra theo tay khám (ối vở hoàn toàn).
- Nếu sờ thấy màng ối còn nhưng có nước ối chảy ra theo tay khám (ối vỡ còn màng hoặc rỉ ối).
III. Cận lâm sàng:
1. Nitrazine test:
- Dịch tiết âm đạo và nước tiểu có tính acid, trong khi dịch ối có tính kiềm.
- Giữ mảnh giấy Nitrazine trong 1 kẹp và đặt vào dịch đọng ở túi cùng sau, khi mở mỏ vịt. Sự thay đổi từ màu vàng cam sang màu xanh là do tính kiềm (hiện diện dịch ối). Dịch máu và âm đạo nhiễm trùng có thể làm sai lệch kết quả (dương tính giả).
2. Ferning test:
- Trải dịch lên trên 1 miếng lam và để khô, khảo sát qua kính hiển vi.
- Nếu có nước ối rỉ vào âm đạo, sự hiện diện của estrogen trong nước ối sẽ làm kết tinh các tinh thể muối natrichlorure cho ra hình ảnh giống lá cây dương xỉ.
- Tần suất sai lệch cao.
3. Soi buồng ối:
- Khi CTC mở ≥ 2 – 3 cm, sẽ thấy trực tiếp tóc thai nhi (ngôi chỏm), đồng thời có thể thấy nước ối rỉ ra từ buồng tử cung.
IV. Xử trí
1. Tuyến xã:
- Tư vấn.
- Kháng sinh.
- Chuyển tuyến trên.
2. Tuyến huyện:
- Theo dõi thân nhiệt.
- Đóng khố sạch, theo dõi lượng nước ối ra.
- Đánh giá tuổi thai để có thái độ xử trí.
- Siêu âm đánh giá tình trạng thai, nước ối, vị trí bánh nhau.
- Cho kháng sinh, corticoid và chuyển tuyến trên nếu thai non tháng (dưới 34 tuần tuổi). Nếu có cơn co thì cho thuốc giảm co nifedipin ngậm dưới lưỡi 10 mg trước khi chuyển.
3. Tuyến tỉnh:
- Thai gần đủ ngày hoặc đã trưởng thành: sau khi ối vỡ, nếu chưa vào chuyển dạ và chưa có dấu hiệu nhiễm trùng ối: theo dõi 6 – 12 giờ. Nếu sau 12 giờ chưa chuyển dạ tự nhiên, cần phải chấm dứt thai kỳ để tránh nguy cơ nhiễm trùng ối (truyền oxytocin nếu không có chống chỉ định).
- Thai non tháng, < 36 tuần, hoặc trọng lượng thai < 2000g: cố gắn kéo dài thai kỳ thêm, cho sản phụ:
+ Nằm nghỉ ngơi, tránh vận động nhiều.
+ Vệ sinh sạch sẽ vùng âm hộ - TSM.
+ Mang băng vệ sinh vô trùng.
+ Hạn chế khám âm đạo.
+ Theo dõi tim thai, nhiệt độ, công thức bạch cầu, CRP.
+ Theo dõi lượng nước ra ở âm đạo, siêu âm chỉ số ối.
- Nếu không có nhiễm trùng, nước ối ra ít hoặc ngừng ra:
+ Cho kháng sinh để giảm tỷ lệ các biến chứng của nhiễm trùng ối cho mẹ, giảm nhiễm trùng sơ sinh và trì hoãn cuộc sanh.
* Erythromycin 250 mg uống 3 lần/ngày x 7 ngày.
* Amoxicilline 500 mg uống 3 lần/ngày x 7 ngày.
+ Chuyển sản phụ đến nơi có đủ điều kiện chăm sóc sơ sinh kích thích trưởng thành phổi:
* Betamethasone 12 mg TB, 2 liều mỗi 12 giờ. Hoặc
* Dexamethasone 6 mg TB, 4 liều mỗi 6 giờ.
Ghi chú: không nên dùng corticoide khi có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Nếu có dấu hiệu nhiễm ối như: sốt, bạch cầu tăng cao, nước ối đổi màu, có mùi hôi…, hoặc nước ối vẫn tiếp tục ra, siêu âm hết ối… bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ.
+ Cho kháng sinh:
* Ampicilline 2g (TM) mỗi 6 giờ. Hoặc
* Penicilline 2.000.000 UI (TM) mỗi 6 giờ trong suốt thời gian sanh.
* Nếu có nhiễm trùng ối kết hợp: Gentamycine 5mg/kg TM mỗi 24 giờ.
* Nếu mổ lấy thai, tiếp tục cho kháng sinh và cho Metrinidazole 500 mg TM mỗi 8 giờ cho tới khi hết sốt 48 giờ.
* Nếu không có dấu hiệu nhiễm trùng sau sanh, có thể ngưng kháng sinh.
- Đánh giá CTC:
+ Nếu CTC thuận lợi, chỉ định dùng Oxytocin.
+ Nếu CTC không thuận lợi, gây chín muồi với Prostaglandine và truyền oxytocin hay mổ lấy thai.
+ Nếu nghi ngờ viêm CTC (sốt, dịch âm đạo hôi), cho kháng sinh như viêm tử cung.
+ Nếu nghi ngờ nhiễm trùng sơ sinh, chuẩn bị cấy máu và cho kháng sinh.
Ung thư cổ tử cung (05/07/2011) Ung thư niêm mạc tử cung (05/07/2011) U nang buồng trứng (05/07/2011) U xơ tử cung (05/07/2011) Tiểu đường và thai (05/07/2011) Viêm ruột thừa và thai (05/07/2011) Thai ngoài tử cung (05/07/2011) Thai suy trong chuyển dạ (05/07/2011) Tiền sản giật (05/07/2011) Thai chết lưu (05/07/2011)