Ung thư cổ tử cung: các yếu tố nguy cơ, lâm sàng, cận lâm sàng, chỉ định điều trị
I. Các yếu tố nguy cơ:
- Nhiễm Human Papilloma virus (HPV), Herpes virus.
- Tuổi: từ 40 – 70.
- Hút thuốc lá
- Sinh nhiều: từ 5 con trở lên.
- Quan hệ tình dục sớm.
- Có nhiều bạn tình.
- Vệ sinh cá nhân kém.
- Suy giảm hệ thống miễn dịch do HIV/AIDS, dùng corticoid kéo dài, hoá trị liệu…
- Thuốc ngừa thai dạng uống, yếu tố gia đình.
- Tiền sử viêm nhiễm đường sinh dục, nhiều lần.
II. Triệu chứng lâm sàng
1. Các thương tổn tiền lâm sàng:
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng cơ năng thường nghèo nàn. Khi khám âm đạo – cổ tử cung bằng mỏ vịt có thể thấy cổ tử cung trông giống như bình thường hoặc có vết loét trợt, một vùng trắng không điển hình hoặc tăng sinh mạch máu.
2. Các thương tổn rõ trên lâm sàng:
BN thường đến khám với triệu chứng ra máu âm đạo bất thường giữa kỳ kinh, ra máu sau giao hợp, hoặc khí hư hôi, lẫn máu, có thể phối hợp với tình trạng cơ thể suy kiệt.
Khám mỏ vịt hiện diện một khối sùi, dễ chảy máu khi chạm vào. Khi bôi Lugol vùng tổn thương không bắt màu (nghiệm pháp Schiller âm tính). Một số trường hợp muộn hơn cổ tử cung sẽ biến dạng, loét sâu hoặc cổ tử cung bị mất hẳn hình dạng. Sinh thiết được thực hiện ở cả vùng lành và vùng bệnh lý. Ngoài ra, cần phải đánh giá mức độ lan tràn và xâm lấn của ung thư vào các túi cùng âm đạo, nền dây chằng rộng, bàng quang, trực tràng và các vùng kế cận.
III. Cận lâm sàng:
- Tế bào âm đạo: giúp phát hiện các thay đổi ở mức độ tế bào theo hướng tiền ung thư hoặc ung thư. Tiêu bản được nhuộm theo phương pháp Papanicolaou và xếp loại theo danh pháp Bethesa 2001 bao gồm:
o Các thay đổi tế bào biểu mô lát:
+ ASCUS (bất điển hình tế bào lát có ý nghĩa không xác định)
+ LSIL (tổn thương trong biểu mô lát mức độ thấp)
+ HSIL (tổn thương trong biểu mô lát mức độ cao)
+ Ung thư
o Các thay đổi tế bào biểu mô trụ
+ AGUS (bất điển hình tế bào tuyến có ý nghĩa không xác định)
+ AIS (ung thư trong liên bào biểu mô tuyến)
+ Ung thư
- Soi cổ tử cung:
o Không chuẩn bị: tổn thương dạng sùi hoặc loét, bề mặt dễ chảy máu, nhiều mạch máu tăng sinh.
o Chứng nghiệm Hinselmann (chứng nghiệm acid acetic): khi bôi acid acetic 3% vùng tổn thương trở nên trắng đục, có thể có hình chấm đáy hoặc hình lát đá.
o Chứng nghiệm Schiller: bôi dung dịch Lugol 3%, vùng tổn thương không bắt màu nâu.
o Ngoài các tổn thương trên cần phải xác định vùng chuyển tiếp.
- Sinh thiết: để giúp đánh giá đầy đủ mức độ lan tràn và xâm lấn của ung thư, có thể chỉ định một số thăm dò sau: siêu âm, chụp UIV, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), cộng hưởng từ hạt nhân (MRI).
IV. Chỉ định điều trị:
1. Ung thư trong liên bào:
Ở người phụ nữ còn trẻ, còn có nguyện vọng sinh đẻ, có thể khoét chóp hay cắt cụt cổ tử cung, và sau đó cần phải được theo dõi kỹ định kỳ 6 tháng với 3 – 4 lần làm tế bào học âm đạo.
Ở phụ nữ đủ con, lớn tuổi có thể cắt tử cung toàn phần rộng rãi.
2. Ung thư xâm lấn:
Thông thường xử trí theo phác đồ phối hợp giữa xạ trị và phẫu thuật.
- Giai đoạn I – IIA: chủ yếu là phẫu thuật theo phương pháp Wertheim Meigs, cắt tử cung hoàn toàn, cắt 2 phần phụ, cắt 1/3 trên âm đạo, lấy hết các tổ chức liên kết dưới 2 lá dây chằng rộng, nạo hạch trong hố chậu và dọc theo động mạch chủ bụng. Đối với giai đoạn IB,nhiều tác giả nêu lợi ích của xạ trị trước phẫu thuật nhằm giảm mức độ ác tính của tế bào ung thư, diệt những ổ lan tràn quanh tổn thương nguyên phát, ngăn chặn di căn. Xạ trị trước mổ, nguồn xạ sử dụng là césium hay radium, ngừng xạ trị khoảng 6 tuần trước phẫu thuật, xạ trị sau mổ dùng tia cobalt chiếu vào vùng chậu nơi đã lấy hạch có tế bào ung thư.
- Giai đoạn IIB – III: xạ trị và đánh giá lại để cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
- Giai đoạn IV: xạ trị và điều trị hỗ trợ, có thể áp dụng phẫu thuật tạm thời như dẫn lưu bàng quang, hậu môn nhân tạo.
Ung thư niêm mạc tử cung (05/07/2011) U nang buồng trứng (05/07/2011) U xơ tử cung (05/07/2011) Tiểu đường và thai (05/07/2011) Viêm ruột thừa và thai (05/07/2011) Ối vỡ non, ối vỡ sớm (05/07/2011) Thai ngoài tử cung (05/07/2011) Thai suy trong chuyển dạ (05/07/2011) Tiền sản giật (05/07/2011) Thai chết lưu (05/07/2011)