Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Tiểu đường và thai

Tiểu đường và thai: sàng lọc, chẩn đoán, hướng điều trị (theo dõi bà mẹ và thai)

I. Sàng lọc và chẩn đoán bệnh đái tháo đường – thai nghén

1. Sàng lọc:

Bệnh đái tháo đường – thai nghén thường không có triệu chứng lâm sàng rõ, để phát hiện bệnh cần dựa vào test sàng lọc và nghiệm pháp dung nạp đường và nên áp dụng cho những sản phụ có yếu tố nguy cơ như:

- Béo phì, cân nặng của mẹ vượt quá 85kg.

- Trong gia đình có người bị bệnh đái tháo đường.

- Tiền sử bản thân bị bệnh đái tháo đường (50% bị lại).

- Tiền sử đẻ con to (>4500 kg), suy yếu, thai lưu, dị tật bẩm sinh, đa ối…

- Test sàng lọc: cho sản phụ uống 50g glucose vào giữa tuần 24 – 28 của thai kỳ, bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bất kỳ thời gian nào sau khi ăn. Nếu glucose huyết 1 giờ saukhi test ≥ 140 mg/dl (7,8 mmol/L), những người này cần làm nghiệm pháp dung nạp đường để xác định chẩn đoán.

2. Chẩn đoán

Có nhiều tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Hội nghị Quốc tế về đái tháođường đề nghị sử dụng tiêu chuẩn của Carpenter – Coustan với test dung nạp đường như sau:

Cách thực hiện: lấy máu xét nghiệm đường huyết cho sản phụ vào buổi sáng, nhịn đói qua đêm ít nhất là 8 giờ nhưng không quá 14 giờ, rồi cho uống 100g đường. BN không hút thuốc trong quá trình test, với các hoạt động thể lực bình thường. Và lấy 3 mẫu máu khác nhau vào 3 giờ liên tiếp để định lượng đường máu.

Bình thường:

- Khi đói đường máu < 95 mg/dl (hoặc 5,3 mmol/L)

- Sau 1 giờ: đường máu < 180 mg/dl (hoặc 10,0 mmol/L)

- Sau 2 giờ: đường máu < 155 mg/dl (hoặc 8,6 mmol/L)

- Sau 3 giờ: đường máu < 140 mg/dl (hoặc 7,8 mmol/L)

Nếu BN có nhiều hơn hoặc bằng 2 trị số glucose huyết cao hơn giá trị trên là đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.

II. Hướng điều trị

1. Theo dõi bà mẹ:

- Ngay từ khi có thai, thai phụ phải được theo dõi bởi bác sĩ sản khoa và bác sĩ chuyên ngành đái tháo đường.

- Thai phụ nên nhập viện ở khoa chữa bệnh đái tháo đường với hy vọng:

+ Chuẩn hoá chế độ tiết thực: từ 1800 – 2000 Kcal/ngày và 180 – 200 g đường chia làm 3 bữa ăn trong ngày.

+ Chia đều insulin sử dụng làm 3 lần/ngày – đêm.

+ Phải hướng dẫn cho thai phụ:

* Tự xét nghiệm đường máu 6 lần mỗi ngày.

* Xác định ngưỡng glucose ở thận của thai phụ.

* Sử dụng liều insulin phù hợp và chế độ ăn hằng ngày.

- Nhiễm trùng đường tiểu, tăng huyết áp, định lượng protein niệu và phát hiện những tổn thương ở đáy mắt. Xác định tuổi thai bằng siêu âm.

- Các nhà sản khoa và đái tháo đường phải khám thai phụ thường xuyên về tình hình bệnh cứ 15 ngày 1 lần, và nhiều hơn nữa một khi mà BN xuất hiện những biến chứng như: tăng trọng lượng, tăng huyết áp, protein niệu, tăng acid uric máu, xét nghiệm tế bào vi trùng đường tiểu và kiểm tra thường xuyên đường máu.

- Mục đích của điều trị là làm thế nào cho đường máu về gần với mức bình thường, và tránh các bệnh lý của thai nhi do đái tháo đường gây nên.

- Thai phụ nên nhập viện ở khoa sản từ tuần 32 – 34 của thai kỳ, đôi khi muộn hơn cũng có thể được.

2. Theo dõi thai nhi:

Thai nhi phải được theo dõi sát bằng:

- Siêu âm nhiều lần để phát hiện dị dạng, sự tăng trưởng.

- Phải định lượng estradiol niệu và huyết thanh hằng ngày cho đến cuối thai kỳ.

- Ghi nhịp tim thai bằng monitoring sản khoa 1 – 2 lần/ngày vào cuối thai kỳ.

- Thai  phụ tự ghi nhận các cử động của thai nhi 3 lần/ngày, mỗi lần 30 phút.

- Xét nghiệm tỷ L/S trong nước ối để xác định độ trưởng thành của phổi thai nhi trước khi quyết định chấm dứt thai kỳ.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 05/07/2011
 1  2 

Số lượt truy cập
11.244.278
216 người đang xem