Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Điều hoà hoạt động lọc cầu thận

Điều hoà hoạt động lọc cầu thận


Mức lọc cầu thận luôn giữ tương đối hằng định, nếu thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng đến cơ thể.

I. Cơ chế điều hoà mức lọc cầu thận – điều hoà ngược cầu ống:

Có 2 cơ chế điều hoà tự động mức lọc cầu thận:

- Điều hoà ngược giãn tiểu động mạch vào: khi mức lọc cầu thận giảm thấp, giảm nồng độ ions Na+, Cl- đến lớp dát đặc macula densa. Sự giảm nồng độ ions này gây giãn động mạch vào, làm tăng lượng máu vào cầu thận, tăng mức lọc cầu thận và ngược lại.

- Điều hoà ngược co tiểu động mạch ra: khi giảm lưu lượng máu thận, có ít Na+ và Cl- đến macula densa, làm tế bào cạnh cầu thận tiết ra Renin, dẫn đến việc tạo thành Angiotensin II làm co tiểu động mạch ra (vì nó mẩn cảm cao với Angiotensin), làm tăng áp suất ở cầu thận và tăng mức lọc cầu thận.

- Khi cả 2 yếu tố này kết hợp với nhau, mức lọc cầu thận sẽ nâng lên và trở về bình thường.

II. Tác dụng của ANP (Atrial Natriuretic peptid)

- Tăng độ lọc cầu thận.

- Tác dụng trực tiếp lên ống thận làm tăng bài tiết Na+.

- Ức chế bài tiết ADH.

- Ức chế bài tiết Aldosteron.

- Giảm độ nhạy cảm của cơ trơn mạch máu đối với chất co mạch do đó gây giãn mạch.

III. Vai trò của Renin – Angiotensin.

- Renin là một protein men, được thận giải phóng ra từ tổ chức cận cầu thận khi giảm thể tích dịch ngoại bào (huyết áp rất thấp). Renin tác dụng nhiều mặt nâng khối lượng tuần hoàn (nâng huyết áp) từ mức thấp trở về bình thường.

- Renin tác dụng lên một protein huyết tương có bản chất là globulin là angiotensinogen để tạo angiotensin I. Angiotensin I có tác dụng co mạch nhẹ nhưng không có ý nghĩa chức năng đáng kể đối với tuần hoàn. Chỉ vài giây sau khi hình thành, phân tử angiotensin I đến các mạch nhỏ của phổi dưới sự xúc tác của men chuyển (coverting enzyme) có ở mô mạch phổi chuyển thành angiotensin II.

- Angiotensin II có nhiều tác dụng làm tăng huyết áp:

o Gây co mạch nhanh chóng và mạnh mẽ các tiểu động mạch và co tiểu tĩnh mạch có mức độ, thúc đẩy máu về tim làm tăng sức bơm của tim. Nhờ đó đưa huyết áp trở về bình thường.

o Tác dụng nhiều nơi trên cơ thể, làm giảm bài xuất muối và nước ở thận, tăng lượng nước nhập. Làm tăng thể tích dịch ngoại bào, huyết áp tăng từ từ, hằng giờ, hằng ngày.

- Cơ chế tác dụng của Angiotensin tại thận:

o Trực tiếp lên thận bằng cách gây co tiểu động mạch đi, do đó làm tăng mức lọc cầu thận. Cơ chế này giúp điều hoà lưu lượng máu thận.

o Kích thích võ thượng thận tiết Aldosteron, là hormone làm tăng hấp thu muối nước ở ống thận.

o Tăng tái hấp thu nước ở thận (do ảnh hưởng của ADH được bài tiết từ hậu yên).

- Ngoài ra Angiotensin còn tác dụng kích thích trung tâm khát, tăng nhập nước và đáp ứng của hệ giao cảm trung ương làm tăng huyết áp.

- Trên đây là cơ chế điều hoà thể tích dịch ngoại bào của thận rất hữu hiệu, cơ chế dài hạn quan trọng điều hoà huyết áp trong cơ thể.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 10/07/2011