Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Một số chế độ ăn thường gặp trong điều trị

Một số chế độ ăn thường gặp trong điều trị

1. Chế độ ăn hạn chế năng lượng:

Chỉ định trong đái tháo đường.

2. Chế độ ăn giảm protein:

Chỉ định: khi cơ thể không bài tiết được các chất đào thải của sự chuyển hoá protein (viêm vi cầu thận cấp, suy thận mạn), khi protein trở thành chất độc (hôn mê gan, hội chứng toan trong đái tháo đường…), khi protein không tiêu hoá được do rối loạn tiêu hoá (viêm đại tràng, rối loạn tiêu hoá, suy tuỵ tạng).

3. Chế độ ăn tăng protein:

Khẩu phần ăn có > 1,5g protein/kg, có khi tới 2 hoặc 3g/kg; tỷ lệ protein động vật chiếm 30 – 50% tổng số protein, chế độ ăn này thường chứa nhiều năng lượng. Chỉ định: xơ gan, viêm gan (giai đoạn phục hồi hoặc mạn tính), hội chứng thận hư, thiếu máu, nhiễm trùng mạn tính, bệnh lý ngoại khoa (trước và sau mổ, bỏng nặng, gãy xương), phụ nữ có thai… Chống chỉ định ure máu cao.

4. Chế độ ăn hạn chế lipid:

Chỉ định: bệnh béo phì bệnh túi mật: viêm túi mật, sỏi mật do cholesterol lắng đọng; xơ mỡ động mạch.

5. Chế độ ăn hạn chế muối:

Chỉ định: suy tim, bệnh thận, phụ nữ có thai 3 – 6 tuần lễ cuối, huyết áp cao, xơ gan, bệnh phải hạn chế nước. Có 2 mức hạn chế, tuỳ loại và giai đoạn bệnh.

- Hạn chế muối tương đối (NaCl 1,25 – 2,5 g): không nấu các thức ăn bằng muối, không dùng thức ăn bằng muối (kể cả nước mắm), không dùng  cà muối, cá muối và thịt muối. Được phép dùng: các thức ăn thiên nhiên có muối như trứng, sữa, cua, nội tạng, thịt, cá, gạo, khoai,…

- Hạn chế muối tuyệt đối (NaCl 0,5 – 1g) không ăn cả những thức ăn có sẵn muối như sữa, trứng, cua, thịt, cá,… chế độ ăn chỉ có cơm, quả chín và đường.

6. Chế độ ăn hạn chế kali:

Chỉ định: suy thận giai đoạn cuối, lọc máu. Nguyên tắc: hạn chế protein, kali và tổng năng lượng của khẩu phần, hạn chế ăn các thực phẩm giàu kali: chuối, khoai tây, trái cây khô, rau bí, rau dền, mồng tơi, rau đay, hoặc uống nước trái cây, bia, rượu vang, trà, café. Giảm bớt thịt cá.

7. Chế độ ăn hạn chế phosphat:

Chỉ định: thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo. Hạn chế phosphat thường đi kèm với hạn chế năng lượng và hạn chế đạm. Tránh các thực phẩm giàu phosphat như cây họ đậu, sản phẩm bột mỳ, sữa và các chế phẩm, cá, thịt. Hạn chế các đồ uống giàu phosphat như uống nước khoáng, nước chanh đóng hộp.

8. Chế độ ăn hạn chế purin:

Chỉ định: bệnh Gout, bệnh calci thận. Nguyên tắc: lượng protein ăn vào ở mức trung bình 0,8 g/ngày. Giới hạn chất béo < 20% tổng calo cung cấp, tránh các bữa ăn quá nặng vào buổi tối vì đây là các yếu tố stress để hình thành acid uric. Nên ăn các thực phẩm có chứa < 50 mg purin/100g (sữa không béo, pho mát trắng, nước ngọt, bánh mì, ngũ cốc, gạo, khoai tây, rau quả…

9. Chế độ ăn hạn chế sợi, xơ và các chất kích thích:

Chỉ định trong bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm ruột, tiêu chảy. Bệnh nặng thì dùng chế độ ăn hạn chế chặt chẽ, khi bệnh đã đỡ có thể dùng chế độ ăn hạn chế vừa phải.

- Chế độ ăn hạn chế chặt chẽ: chỉ ăn sữa bột, hạn chế trung bình: chế độ ăn thêm khoai nghiền và trứng, hạn chế ít: thêm thịt mềm thái nhỏ và rau nghiền kĩ.

10. Chế độ ăn toan và kiềm:

Chế độ ăn có thể thay đổi pH của nước tiểu chứ không làm thay đổi pH của máu. Mỗi thức ăn có nhiều gốc toan, hoặc kiềm nó bị thay đổi trong khi nấu nướng, khi tiêu hoá, hoặc chuyển hoá trong cơ thể. Chế độ ăn toan là chế độ ăn giàu protein và lipid bao gồm các thức ăn nguồn gốc động vật (trừ sữa và tiết), ngũ cốc, dầu và mỡ. Chế độ ăn kiềm bao gồm sữa, rau quả. Trong các thực phẩm này rất giàu muối khoáng. Chỉ định khi cơ thể mất cân đối giữa toan và kiềm: đái tháo đường gây nhiễm toan cơ thể; nôn ói nhiều từng cơn gây  nhiễm độc toan, suy tim và thận  gây nhiễm toan. Dùng để gây sự mất cân bằng giữa toan và kiềm của cơ thể với mục đích giúp cho cơ thể chống lại bệnh hoặc loại trừ nguyên nhân gây bệnh như sỏi thận phosphat hoặc urat, bệnh viêm bể thận.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 14/07/2011