Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Các chất cần thiết cho sự tạo hồng cầu và điều hoà tạo hồng cầu

Các chất cần thiết cho sự tạo hồng cầu và điều hoà tạo hồng cầu

I. Các chất cần thiết cho sự tạo hồng cầu:

1) Vitamin B12 :

B12 cần thiết để biến đổi ribonucleotid thành deoxyribonucleotid, một trong những giai đoạn quan trọng trong sự tạo thành ADN.

Thiếu B12 sẽ ngăn chặn sự phân chia tế bào và sự trưởng thành của nhân. Đối với sự sản xuất hồng cầu, thiếu B12 sẽ gây ức chế sự sản xuất hồng cầu. Các tế bào nguyên hồng cầu của tuỷ xương trở nên lớn hơn bình thường và được gọi là đại hồng cầu. Các đại hồng cầu sau khi vào máu tuần hoàn có khả năng chuyên chở O2, nhưng do chúng dễ bị vỡ nên gây thiếu máu ác tính.

Nguyên nhân thường gặp gây thiếu vitamin B12 là cơ thể không hấp thu được B12 vì dạ dày thiếu sự bài tiết yếu tố nội tại. Yếu tố nội tại sẽ kết hợp với vitamin B12 để tạo thành hợp chất thích ứng trong cơ chế hấp thu ở ruột.

Nhu cầu B12 cần thiết mỗi ngày để duy trì sự trưởng thành bình thường của hồng cầu là < 1 µg, trong khi đó gan có khả năng dự trữ một lượng B12 khoảng 1000 lần nhiều hơn. Chính vì vậy, khi thiếu B12 trong nhiều tháng mới có thể gây tình trạng thiếu máu ác tính này. Ví dụ trong trường hợp bệnh nhân bị teo niêm mạc dạ dày hoặc cắt bỏ dạ dày toàn bộ mà không tiêm B12 thường xuyên.

2) Acid folic:

Acid folic là một vitamin tan trong nước có nhiều trong rau cải xanh, óc, gan thịt. Acid folic cần thiết cho sự trưởng thành các hồng cầu do tăng sự methyl hoá quá trình thành lập ADN.

Nhu cầu acid folic hằng ngày là 50 – 100 µg,

Acid folic được hấp thu ở ruột nhưng chủ yếu ở hỗng tràng dưới thể monoglutamat.

3) Chất sắt:

Sắt (Fe) là một chất quan trọng trong sự thành lập Hb, được hấp thu chủ yếu ở tá tràng bằng cơ chế chủ động dưới dạng Fe++ (ferrous) hơn là dạng Fe+++ (ferric). Khi Fe được hấp thu từ ruột, nó nhanh chóng kết hợp với β-globulin để tạo thành transferrin. Dưới dạng này, sắt kết hợp một cách lỏng lẻo với phân tử globulin và dễ dàng phóng thích khi các mô cần.

Chất Fe dư trong máu sẽ được dự trữ trong hầu hết các tế bào của cơ thể đặc biệt là trong tế bào gan. 60% số Fe dư sẽ được dự trữ ở gan, tại đây nó kết hợp với apoferritin để tạo thành ferritin. Khi lượng Fe trong huyết tương giảm thấp, Fe từ ferritin được chuyên chở đến những phần cơ thể cần.

Sắt tham gia vào thành phần heme, nên thiếu Fe sẽ gây thiếu máu nhược sắt. Nhu cầu Fe mỗi ngày khoảng 0,6 mg. Ở phụ nữ do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt nên nhu cầu Fe cao hơn (1,3 mg/ngày)

4) Ngoài ra, còn có các amino acid, các vitamin nhóm B khác và các yếu tố vi lượng như mangan, cobalt…

II. Điều hoà tạo hồng cầu:

Số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi luôn được điều hoà một cách chặt chẽ để duy trì số lượng tương đối hằng định. Quá trình này được thực hiện nhờ một chất hiện diện trong huyết tương gọi là erythropoietin.

Erythropoietin là một dạng hoạt hoá của một tiền yếu tố trong tuần hoàn (có nguồn gốc từ gan) và được hoạt hoá bởi các yếu tố của thận.

Tác dụng của erythropoietin trên sự biệt hoá của tế bào gốc thành tế bào dòng hồng cầu và làm tăng quá trình tổng hợp hemoglobin trong các tế bào đã biệt hoá.

Thông qua sự ức chế hay khích thích tạo thrombopoietin mà sự sản xuất hồng cầu còn được điều hoà bởi tình trạng oxy của mô. Khi nồng độ oxy ở mô giảm, tăng tạo erythropoietin, do đó tăng tạo hồng cầu; và ngược lại khi oxy mô tăng, ức chế tạo erythropoietin, do đó giảm tạo hồng cầu.

Một số hormone khác cũng tham gia vào quá trình tạo hồng cầu:

Androgen: có thể làm tăng tạo erythropoietin hoặc kích thích trực tiếp tế bào gốc biệt hoá thành tế bào dòng hồng cầu.

Kích tố tăng trưởng của tuyến yên: cơ bản là tăng tạo erythropoietin.

LH (Luteinizing hormone) của tuyến yên làm tăng tạo hồng cầu vì tăng tiết testosterone gây tăng tiết R.E.F (Renal Erythropoietin Factor).

Thyroxin

Bình thường tuỷ xương sản xuất mỗi ngày từ 0,5 – 1% hồng cầu, để thay thế 1% hồng cầu chết mỗi ngày trong máu ngoại vi và trong lách.

Khi có nhu cầu (bệnh huyết tán nặng) tuỷ xương có thể tăng sản xuất gấp 7 – 8 lần so với bình thường. Tình trạng tăng sinh đáp ứng này được biểu hiện bằng số lượng tế bào dòng hồng cầu trong tuỷ tăng, thời gian trưởng thành rút ngắn, đưa ra máu ngoại vi sớm những hồng cầu có kích thước lớn, đôi khi còn đa sắc, kiềm (hồng cầu còn nhân).

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 10/07/2011