Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Viêm ruột thừa cấp

Written by Trần Văn Nguyên

I. Triệu chứng lâm sàng:

Bệnh cảnh viêm ruột thừa rất đa dạng và phong phú, việc chẩn đoán không phải lúc nào cũng dễ, do phản ứng của từng cơ thể có khác nhau và vị trí ruột thừa của từng BN cũng khác nhau.

Lâm sàng thể điển hình của VRT

1. Triệu chứng cơ năng:

- Đau là triệu chứng đầu tiên làm BN chú ý đến, đau vùng quanh rốn hay thượng vị, sau vài giờ khu trú ở hố chậu phải, đau liên tục âm ỉ tăng dần, mỗi khi cử động thì triệu chứng đau tăng lên.

- Rối loạn tiêu hoá:

+ Nôn hoặc buồn nôn.

+ Táo bón, có khi bí trung tiện.

+ Hoặc tiêu chảy (thể nhiễm độc).

2. Triệu chứng thực thể:

- Nhìn: bụng tham gia nhịp thở khi BN đến sớm, chưa biến chứng.

- Sờ nắn bụng nhẹ nhàng từ chỗ không đau đến chỗ đau, sờ cả 2 hố chậu để so sánh và tìm triệu chứng phản ứng thành bụng.

- Điểm Mac Burney (+).

- Ngoài ra có thể có các điểm đau: điểm Lanz, điểm Clado, điểm trên mào chậu.

- Phản ứng dội (dấu hiệu Blumberg): nắn nhẹ và sâu vào vùng hố chậu phải BN không đau, khi thả tay ra đột ngột BN sẽ đau ở hố chậu phải.

- Dấu Rovsing khi ta ấn sâu vào hố chậu trái BN thấy đau hố chậu phải.

- Co cứng cơ thành bụng: mức độ co cứng cơ càng mạnh khi tổn thương ruột thừa càng nặng.

- Dấu cơ thắt lưng chậu: khi BN nằm ngửa, hông phải hơi cong ưỡn lên và đùi phải co nhẹ, ta dùng tay ấn duỗi đùi ra thì BN kêu đau vì cơ thắt lưng chậu bị kéo căng.

- Dấu cơ bịt: BN ở tư thế nằm đùi gấp, gối gấp, xoay đùi vào trong BN thấy đau ở vùng dưới rốn và vùng các cơ khép đùi. Gập trong trường hợp ruột thừa viêm nằm sát cơ bịt trong.

- Dấu hiệu ho gây đau nhiều ở vùng hố chậu phải: có thể là dấu hiệu có ích trong chẩn đoán viêm phúc mạc khu trú. Tương tự, đau nhiều hố chậu phải khi gõ một vùng khác của bụng, hay khi gõ mạnh vào gót BN cũng giúp lưu ý đến trường hợp viêm phúc mạc khu trú.

- Khám trực tràng âm đạo: đau ở cùng đồ bên phải (trường hợp ruột thừa nằm ở tiểu khung)

3. Triệu chứng toàn thân:

Toàn thân mệt mỏi, uể oải, sốt nhẹ.

Khi sốt cao 39 – 40oC thường là đã có biến chứng.

4. Cận lâm sàng:

- Xét nghiệm máu:

o Bạch cầu tăng > 9000/mm3 (bình thường 6000 – 9000 BC/mm3).

o CTBC: BC đa nhân trung tính tăng > 70% (bình thường 60 – 65%)

- X quang bụng đứng: thường ít có giá trị chẩn đoán.

- Siêu âm bụng giúp ích nhiều cho chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt.

II. Chẩn đoán:

Chẩn đoán xác định dựa vào:

- Đau hố chậu phải.

- Rối loạn tiêu hoá.

- Đề kháng thành bụng vùng hố chậu phải.

- MacBurney (+)

- Xét nghiệm BC tăng (> 9 x 109/L).

- Công thức bạch cầu: đa nhân trung tính > 70%.

III. Điều trị:

Tại phòng cấp cứu, khi nghi ngờ VRT tuyệt đối không cho BN ăn hay uống, thiết lập đường truyền để bù dịch và tiêm truyền, đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đề phòng thai ngoài tử cung bằng cách thử beta human chorionic ganadotropin (beta-hCG).

Điều trị kháng sinh cho những trường hợp nhiễm trùng huyết và những trường hợp chuẩn bị phẫu thuật.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất bệnh VRT. Phương pháp điều  trị nội khoa (dùng kháng sinh, không phẫu thuật) hiện không được chấp nhận.

Hiện nay phẫu thuật qua ngã nội soi ổ bụng cắt ruột thừa được áp dụng rộng rãi và là lựa chọn hàng đầu với điều kiện bệnh viện có trang thiết bị và phẫu thuật viên đã qua đào tạo. Phẫu thuật nội soi có thể được áp dụng cho tất cả thể lâm sàng của bệnh VRT, tuy nhiên đối với các trường hợp áp xe ruột thừa, các trường hợp viêm phúc mạc đến muộn khi các quai ruột chướng hơi nhiều, việc thực hiện phẫu thuật nội soi sẽ khó khăn hơn.

Phẫu thuật mổ mở kinh điển vẫn còn sử dụng ở các bệnh viện chưa được trang bị máy phẫu thuật nội soi, khi đó:

- VRT chưa vỡ: vào bụng bằng đường McBurney (1/3 ngoài đường vuông góc với đường nối từ gai chậu trước trên đến rốn bên phải) để cắt ruột thừa. Còn vùi gốc ruột thừa hay không còn tuỳ thuộc vào phẫu thuật viên.

- Viêm phúc mạc khu trú ở hố chậu phải: vào bụng đường giữa dưới rốn hay đường bên, cắt ruột thừa, dẫn lưu hoặc không.

- Viêm phúc mạc toàn thể hay viêm phúc mạc tiểu khung: vào bụng đường giữa dưới rốn, cắt ruột thừa, dẫn lưu.

- Áp xe ruột thừa: áp xe sát thành bụng trước bên có thể dẫn lưu ngoài phúc mạc, nếu dễ dàng thì cắt ruột thừa, hoặc hẹn cắt ruột thừa sau 6 tuần hay 3 tháng. Vì tỉ lệ viêm ruột thừa tái phát từ 0 – 37% ở những trường hợp không cắt được ruột thừa.

- Đám quánh ruột thừa: không có chỉ định mổ cấp cứu, cần theo dõi sát vì có thể áp xe hoá. Nếu diễn tiến thuận lợi có thể hẹn BN 3 tháng sau cắt ruột thừa.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 08/07/2011