Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Ung thư đại trực tràng

Chẩn đoán và điều trị ung thư đại – trực tràng

I. Chẩn đoán

1) Triệu chứng cơ năng:

Ung thư đại trực tràng có thể phát hiện ở nhóm BN chưa có triệu chứng, chỉ thông qua việc tầm soát hàng loạt ở nhóm có nguy cơ cao bằng cách tìm hồng cầu trong phân hay nội soi đại tràng. Thông thường các triệu chứng tiêu hóa gây chú ý nếu mới xảy ra lần đầu hoặc thay đổi.

- Cơn đau bụng: thường gặp, ở mọi vị trí song chủ yếu ở hố chậu. Đau ngầm nhưng dai dẳng, ít đáp ứng với các thuốc điều trị đại tràng thông thường.

- Rối loạn tiêu hóa: táo bón mới xuất hiện nhất là nếu đi kèm với đau bụng, tiêu chảy gợi ý ung thư đại tràng phải hay đại tràng ngang, hoặc tiêu chảy xen kẻ với táo bón, tiêu chảy giả có thể gặp trong K trực tràng.

- Tiêu máu đen gặp do K đại tràng phải, tiêu máu đỏ thường xuất phát từ đại tràng trái, trực tràng.

- Bệnh nhân có thể đến với các triệu chứng muộn: Tắc ruột thấp, viêm phúc mạc do thủng phía trên khối u, áp xe quanh đại tràng, hoặc xuất huyết tiêu hóa.

- Triệu chứng theo vị trí:

o K đại tràng phải: đau lan lên trên rốn, tiêu chảy, ăn khó tiêu, thiếu máu, khối u.

o K đại tràng ngang: đặc trưng bằng các triệu chứng vay mượn như: khó tiêu, ói mửa, chướng vùng trên rốn, khối u di động vùng cạnh rốn.

2) Triệu chứng thực thể:

- Bao  gồm các dấu hiệu về bụng thông thường: tăng cảm giác khu trú hay lan tỏa, tiếng lọc ọc. Khối u sờ được trong một số trường hợp. Bên trái, là 1 khối cứng, bờ không đều, dễ nhầm với sự trương dãn đại tràng do ứ đọng phân và hơi trên u. Bên phải, khối u chắc, ít di động, bờ không đều.

- Có thể phát hiện những dấu hiệu muộn: gan có nốt, cứng, bụng báng (ascite), hạch Virchow (hay  hạch Troisier). Thăm trực tràng có thể sờ được khối u, máu theo phân.

3) Cận lâm sàng gồm:

a) Soi đại tràng sigma – trực tràng (Rectosigmoidoscopy)

Chỉ định cho BN chảy máu trực tràng, táo bón, mót đi tiêu, bằng ống soi cứng hoặc ống soi mềm.

b) Soi đại tràng (Colonoscopy)

Thực hiện ngay hoặc bổ sung sau khi soi sigma – trực tràng, cho phép khảo sát toàn bộ khung đại tràng, phát hiện khối u ở giai đoạn sớm hay giai đoạn A của Dukes, xác định tính chất của khối u, cho phép sinh thiết, có thể phát hiện những tổn thương phối hợp khác trên đại tràng.

c) Chụp đại tràng cản quang (Barium enema)

Ngày càng ít dùng vì giá trị hạn chế đối với u ở giai đoạn sớm, thường được chỉ định khi soi đại tràng thất bại, hoặc để chẩn đoán tắc ruột thấp (thụt đại tràng bằng thuốc tan trong nước), nếu chụp phải chụp đối quang kép (double contrast).

d) Xét nghiệm khác:

- Định lượng kháng nguyên CEA (carcino – embryonic antigen) được Gold và Freedman mô tả đầu tiên, chủ yếu dùng để theo dõi sau mổ trong việc tiên lượng sống và tái phát. CEA không đặc hiệu trong K đại tràng, trị giá bình thường trong khoảng 0 – 2,5 ng/ml. CEA có thể tăng trong 1 số bệnh lành tính như tắc mật, rối loạn chức năng tế bào gan, hút thuốc lá, viêm phế quản, loét dạ dày, viêm dạ dày, viêm ruột, viêm túi thừa, polyp tuyến, bệnh thận, và bướu lành tiền liệt tuyến. CEA còn tăng trong 1 số bệnh ung thư khác.

- CA 19-9 và CA-50 không được sử dụng một cách thường qui. Tuy nhiên, kháng thể kháng CA 19-9 được tạo ra để chống lại ung thư đại tràng.

- Chụp cắt lớp ổ bụng hoặc vùng chậu trước mổ được chỉ định khi CEA tăng, có rối loạn chức năng gan, sụt cân, sờ được khối u, hoặc u đại tràng sigma.

- X quang tim phổi: tìm u di căn.

- Bilan gan: đo alkaline phosphatase, siêu âm gan (tìm u di căn).

- Chụp UIV, soi bàng quang: khi nghi khối u xâm lấn vào bộ niệu.

II. Hướng xử trí:

Phương pháp điều trị K đại – trực tràng chủ yếu là phẫu thuật lấy bỏ khối u và đoạn đại tràng mang khối u kèm nạo vét hạch. Ngoài ra, hóa trị và xạ trị cũng là phương pháp điều trị hỗ trợ và được chỉ định trong 1 số trường hợp.

- Phẫu thuật triệt để: lấy toàn bộ khối u, đoạn đại tràng mang khối u và khu vực mạch máu – bạch huyết chi phối.

Sau đây là một số phẫu thuật và chỉ định điều trị:

+ Cắt đại tràng phải: K manh tràng hoặc đại tràng lên (A-A)

+ Cắt đại tràng phải mở rộng: K đại tràng góc gan.

+ Cắt đoạn đại tràng ngang: K đoạn giữa đại tràng ngang.

+ Cắt đại tràng trái: K đại tràng xuống.

+ Cắt đại tràng xuống mở rộng: K đại tràng góc lách.

+ Cắt đoạn đại tràng sigma: K đoạn giữa đại tràng sigma (B-B)

+ Cắt trước: K chỗ nối đại tràng sigma – trực tràng hoặc K 1/3 trên trực tràng.

+ Phẫu thuật Miles: K 1/3 dưới trực tràng và K ống hậu môn (C-C).

Ngoài ra, có thể cắt rộng rải thành nguyên 1 khối cho các ung thư xâm lấn vào các tạng lân cận nếu có thể được.

- Phẫu thuật tạm thời: cho khối u không cắt bỏ được. Ví dụ: mở hậu môn tạm trên khối u hoặc nối tắt để giải áp.

- Xạ trị: thường được chỉ định cho ung thư trực tràng. Nhiều tác giả dùng xạ trị trước phẫu thuật để tăng khả năng phẫu thuật triệt để. Trong khi đó 1 số tác giả khác lại khuyến cáo nên xạ trị sau mổ cho  những trường hợp nghi ngờ phẫu thuật chưa đầy đủ. Có thể dùng Cobalt với liều 2000 – 4500 rads trong 5 tuần.

- Hóa trị phối hợp: thường được chỉ định cho ung thư giai đoạn II có tăng CEA trước mổ và ung thư giai đoạn III nhằm tăng tỉ lệ sống còn và giảm tỉ lệ tái phát. Phối hợp 5 Fluoro – uracile (5-FU) và Levamisole hoặc 5-FU  và Leucovorin.

- Điều trị miễn dịch (immunotherapy) hỗ trợ cũng đã được thử nghiệm, nhưng cần có nhiều thử nghiệm để chứng minh vai trò của nó.

- K đại tràng, trực tràng có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỉ lệ sống 5 năm sau phẫu thuật triệt để nói chung là 50%.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 04/07/2011

Số lượt truy cập
11.008.784
229 người đang xem