Hấp thu Ca++ và các dưỡng chất ở ruột non
I. Hấp thu Ca++:
1) Cơ chế:
30 – 80% calcium ăn vào được hấp thu chủ động ở tá tràng, nhờ chất chuyên chở BBCaBP (Brush border Ca binding protein) trên bờ bàn chải của vi nhung mao ruột. Khi vào nội bào Ca++ tách khỏi BBCaBP, rồi liên kết với 1 protein khác là CCaBP (Cytoplasmic Ca bingding protein) để được vận chuyển đến màng tế bào phía tiếp xúc với dịch kẽ. Tại đây Ca++ được vận chuyển tích cực vào dịch kẽ rồi vào máu.
2) Yếu tố kích thích hấp thu Ca++:
- 1,25 – dihydroxy – cholecalciferol:
+ Có nguồn gốc từ Cholecalciferol (vitamin D3), được tạo ra ở da dưới tác dụng của tia cực tím.
+ Ở gan, cholecalciferol được chuyển thành 25 – hydroxy – cholecalciferol.
+ Ở thận, 25 – hydroxy – cholecalciferol được chuyển thành 1,25 – dihydroxy – cholecalciferol.
Chất chuyển hoá này làm tăng sinh protein vận chuyển Ca++ ở tế bào niêm mạc ruột. Tốc độ sản xuất 1,25 – dihydrox – cholecalciferol gia tăng khi nồng độ Ca++ trong huyết tương giảm và ngược lại. Nhờ vậy, sự hấp thu Ca++ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của cơ thể.
Dựa trên cơ sở sinh lý này, người ta cho tắm nắng để ngăn ngừa còi xương ở trẻ và loãng xương ở người cao tuổi.
- Parahormone (hormone cận giáp).
- Citric acid: sẽ kết hợp với Ca++ để tạo Citrate calci hoà tan dễ hấp thu.
3) Yếu tố ức chế hấp thu Ca++:
Phosphat (PO43-) và Oxalat. Vì các ion này sẽ kết hợp với Ca++ tạo hợp chất không hoà tan ở ruột non [Ca3(PO4)2].
II. Hấp thu các dưỡng chất:
1) Hấp thu Carbohydrate:
- Dạng hấp thu:
+ Chủ yếu là monosaccharides: glucose, galactose, fructose.
+ Chỉ có một phần rất nhỏ được hấp thu dưới dạng disaccharide.
- Vị trí hấp thu: chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng.
- Cơ chế hấp thu:
+ Các sản phẩm trung gian của carbohydrate đến màng vi nhung mao của niêm mạc ruột non, tại đây nhờ các men thuỷ phân các sản phẩm này thành các monosaccharides.
+ Các monosaccharides (glucose và galactose) hầu hết được hấp thu bằng cơ chế đồng vận chuyển (Co – transport) thuận với Na+. Có sự cạnh tranh giữa glucose và galactose với nhau.
+ Sự hấp thu glucose và galactose sẽ bị ngừng trệ hoặc bị giảm đáng kể khi sự vận chuyển Na+ chủ động bị ức chế. Do đó, người ta cho rằng năng lượng cần để vận chuyển 2 loại monosaccharides này là do hệ thống vận chuyển Na+ cung cấp. Hệ thống đồng vận chuyển Na+ – glucose (galactose) phải được gắn cả glucose và Na+ thì mới hoạt động.
+ Riêng fructose: hấp thu bằng cơ chế khuếch tán có gia tốc do có chất chuyên chở riêng. Ngay khi vào trong tế bào niêm mạc ruột, đa số fructose tạo thành glucose rồi vào máu.
2) Hấp thu protein:
- Dạng hấp thu:
Hầu hết protein được hấp thu dưới dạng acid amin. Tuy nhiên cũng có 1 ít dipeptide, tripeptide và rất ít protein cũng được hấp thu (protein được hấp thu theo cơ chế ẩm bào).
- Vị trí hấp thu: chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng, một ít ở hồi tràng.
- Cơ chế hấp thu: sự hấp thu các acid amin cũng tương tự sự hấp thu glucose:
+ Cần chất vận chuyển.
+ Cần năng lượng.
+ Cần Na+.
3) Hấp thu lipid:
- Dạng lipid được hấp thu:
+ Monoglycerid và acid béo là chủ yếu.
+ 1 ít lipid được hấp thu dưới dạng Glycerol: bằng cơ chế khuếch tán.
+ Diglycerid – triglycerid: rất ít vì không tan vào micelles.
- Vị trí hấp thu: chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng.
- Cơ chế hấp thu các Monoglycerides và acid béo:
+ Trong lòng ruột các monoglycerides và acid béo kết hợp với acid mật tạo những phức hợp gọi là micelles. Khi micelles tiếp xúc với bờ bàn chải của niêm mạc ruột, acid béo và monoglycerides sẽ được vận chuyển vào tế bào.
+ Sau khi vào tế bào các monoglycerides (MG) và acid béo (FA) đi vào mạng lưới nội bào tương trơn và được chuyển thành triglycerid mới. Một ít monoglycerides được chuyển thành Glycerol và acid béo (bởi lipase của tế bào thượng bì), các acid béo lại tạo thành triglycerides.
+ Các triglycerides (TG) tụ lại trong mạng nội tương trơn, tại đây các TG, Cholesterol, Phospholipid được bọc bên ngoài bởi lớp β – lipoprotein để tạo các chylomicrons, rồi vào mạch bạch huyết của nhung mao ruột. Có 80 – 90% lipid được hấp thu dạng chylomicrons ở ruột.
+ Một lượng nhỏ (10 – 20%) các acid béo chuỗi ngắn (<10 C) như acid béo trong bơ, sữa được hấp thu trực tiếp vào máu.
Guyton 12th edition (25/08/2013) Phản xạ có điều kiện và không điều kiện (10/07/2011) Thần kinh giao cảm và phó giao cảm, hệ Cholinergic và Adrenergic (10/07/2011) Phản xạ của tiểu não (10/07/2011) Chu kỳ kinh nguyệt (10/07/2011) Các hormone ảnh hưởng lên chuyển hoá muối nước (10/07/2011) Tác dụng và điều hoà bài tiết hormone glucocorticoid (10/07/2011) Tác dụng và điều hoà bài tiết hormone T3 và T4 (10/07/2011) Điều hoà hoạt động lọc cầu thận (10/07/2011) Tái hấp thu canxi, phosphate, magnesium và sự vận chuyển potassium tại ống thận (10/07/2011)