Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Đánh giá các hoạt động TT GDSK

Đánh giá các hoạt động TT-GDSK

I. Định nghĩa:

Đánh giá là quá trình xác định kết quả đạt được của một hoạt động hay một loạt các hoạt động của một chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe (TT – GDSK) để xem xét chương trình có thành công hay không khi so sánh với các mục tiêu đã được xây dựng. Đánh giá bao gốm quá trình đo đạc hiệu quả và kết quả của chương trình từ đó làm cơ sở cho lập kế hoạch tiếp theo để đẩy mạnh chương trình, tăng cường kiến thức và thực hành TT - GDSK. Biết được các kết quả cho phép chúng ta có thể đánh giá được hiệu quả của chương trình, từ đó có thể có được sự ủng hộ của chính quyền, cộng đồng và các cơ quan chức năng. Đánh giá còn mang lại mục đích động viên cán bộ thực hiện chương trình.

II. Một số nội dung quan trọng cần đánh giá là:

Đánh giá kết quả của chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe: Xem xét liệu chương trình có đạt được mục tiêu đề ra hay không? Xác định rõ các chỉ số để đánh giá được các mức độ thay đổi về kiến thức, thái độ và hành vi của đối tượng và so sánh với mục tiêu mong đợi đã nêu ra.    Các hình thức đánh giá:

1) Đánh giá hiệu quả:

a. Các kết quả đạt được có tương xứng với những nỗ lực nguồn lực (Nhân lực, tiền, cơ sở vật chất) bỏ ra hay không?

b. Xây dựng được các chỉ số để đánh giá được về giá thành và hiệu quả của hoạt động giáo dục sức khỏe.

2) Đánh giá quá trình:

a. Điều hành các tiến độ trong khi thực hiện chương trình bao gồm việc lượng giá các mục tiêu trung gian, những gì đã đạt được cho đến thời điểm hiện tại.

b. Xây dựng các chỉ số để đánh giá các mục tiêu trung gian: ví dụ như chỉ số về tiến độ các hoạt động trong chương trình TT-GDSK.

3) Đánh giá tác động ảnh hưởng:

Đó là đánh giá những thay đổi về sức khỏe và bệnh tật mà chương trình TT - GDSK đã mang lại. Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của TT - GDSK thường không phải dễ dàng vì ngoài giáo dục sức khỏe có nhiều tác động khác đến tình trạng sức khỏe và bệnh tật của cá nhân cũng như của cộng đồng.

III. Nội dung của đánh giá được thể hiện trong một số câu hỏi cần đặt ra khi đánh giá các hoạt động TT - GDSK là:

1) Các hoạt động truyền thông có được thực hiện theo kế hoạch hay không?

2) Bao nhiêu chương trình truyền thông đại chúng đã được thực hiện?

3) Bao nhiêu các buổi TT - GDSK trực tiếp đã được tiến hành?

4) Bao nhiêu cuộc họp của cộng đồng đã được tổ chức, bao nhiêu các tờ rơi được phân phát?

5) Bao nhiêu đối tượng đích đã nhận được các thông điệp…

6) Các đối tượng đích có chú ý đến các hoạt động truyền thông hay không?

7) Các đối tượng đích có hiểu được các thông điệp hay không?

8) Bao nhiêu người có thể nhắc lại đúng các thông điệp trên các áp phích, chương trình của radio, các buổi nói chuyện, các cuộc họp…

9) Các thông điệp có thuyết phục được mọi người không?

10) Bao nhiêu người chấp nhận và tin tưởng vào các thông điệp?

11) Các thông điệp có dẫn đến thay đổi hành vi hay không?

12) Bao nhiêu người thay đổi hành vi sức khỏe do kết quả của các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe.

13) Các hành vi thay đổi đó có dẫn đến nâng cao sức khỏe hay không?

14) Bao nhiêu người sức khỏe được tăng cường là do kết quả của chương trình?

15) Mức độ thay đổi của tỷ lệ bệnh, tỷ lệ mắc bệnh mới như thế nào?

Tuy nhiên việc đánh giá các thay đổi về hành vi và sức khỏe cần phải có thời gian dài. Một ý tưởng tốt là cần phải đánh giá ngắn hạn sớm sau khi kết thúc các hoạt động của chương trình và theo dõi sau đó để đánh giá các thay đổi lâu dài diễn ra.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 14/07/2011