Trình bày các bước của quá trình thay đổi hành vi sức khỏe
Bước 1: Nhận ra vấn đề mới:
Là nhận ra được các ảnh hưởng xấu của vấn đề cần thay đổi đến sức khỏe của họ. Người thực hiện truyền thông GDSK cần cung cấp đủ thông tin, kiến thức để cá nhân hay cộng đồng hiểu được vấn đề sức khỏe của họ là gì, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của họ. Bước này có thể thực hiện bằng cách sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp thông tin, nếu cần có thể gặp gỡ trực tiếp đối tượng để cung cấp kiến thức, giải thích bằng các ví dụ minh họa giúp đối tượng hiểu được chính vấn đề của họ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các bước sau của quá trình thay đổi hành vi. Sẽ rất khó để thay đổi hành vi nếu như cá nhân, cộng đồng chưa đủ kiến thức để nhận ra vấn đề hay nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của họ.
Bước 2: Quan tâm đến hành vi mới
Khi cá nhân và cộng đồng đã có kiến thức và nhận ra vấn đề sức khỏe, bệnh tật của họ thì cần làm cho họ có thái độ tích cực hay quan tâm đến vấn đề đó. Có nghĩa là phải làm cho họ nhận thức đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ và cần phải giải quyết. Ví dụ làm cho cộng đồng biết bệnh tiêu chảy là bệnh nguy hiểm đối với trẻ em dưới 5 tuổi và làm cho cộng đồng tin là nếu họ duy trì các hành vi thiếu vệ sinh thì trẻ em sẽ tiếp tục bị tiêu chảy và ảnh hưởng đến phát triển cả thể lực và trí tuệ của trẻ. Để làm cho đối tượng quan tâm đến các hành vi mới ở giai đoạn này cần các hoạt động giáo dục sức khoẻ trực tiếp, kiên trì giải thích, cung cấp các thông tin bổ sung, các ví dụ minh họa, làm cho đối tượng hướng đến thực hành các hành vi mới.
Bước 3: Áp dụng thử nghiệm hành vi mới:
Nhờ có đủ kiến thức và thái độ quan tâm đến hành vi mới, cùng với môi trường hỗ trợ thuận lợi, đối tượng được truyền thông GDSK áp dụng thử các hành vi mới. Giai đoạn này đối tượng thực hiện hành động nên thường là giai đoạn khó khăn, rất cần được sự hỗ trợ của cán bộ y tế, cán bộ truyền thông GDSK và những người xung quanh về tinh thần, cũng như về vật chất, cùng với các hướng dẫn kỹ năng thực hành nhất định.
Bước 4: Đánh giá kết quả hành vi mới:
Sau khi áp dụng các hành vi mới thường đối tượng sẽ đánh giá kết quả thu được, trong đó có những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện hành vi mới và lợi ích từ thực hiện hành vi mới. Tuy nhiên có đối tượng có thể không thấy rõ được kết quả của thực hiện hành vi mới mang lại. Lúc này nhiệm vụ của cán bộ tế, cán bộ truyền thông GDSK là thảo luận, phân tích để giúp cho đối tượng thấy rõ các kết quả đã đạt được và tác động có lợi của hành vi mới đến sức khỏe.
Bước 5: Khẳng định:
Khi phân tích kết quả đạt được của việc thử nghiệm hành vi mới, đối tượng sẽ đi đến quyết định duy trì hành vi mới hay từ chối. Nếu đối tượng thu được kết quả tốt, không có khó khăn gì đặc biệt và được ủng hộ thì họ tiếp tục duy trì hành vi mới. Nếu đối tượng chưa thấy được kết quả cuả hành vi mới và gặp khó khăn khi thực hiện, thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài thì họ có thể chưa chấp nhận hành vi mới. Với những trường hợp này các cán bộ truyền thông GDSK lại phải tiếp tục có kế hoạch giáo dục sức khỏe và biện pháp hỗ trợ thích hợp để đối tượng thực hành lại và khẳng định duy trì hành vi mới.
Nghiên cứu cắt ngang (14/07/2011) Báo cáo ca bệnh và báo cáo loạt ca bệnh (14/07/2011) Tỉ lệ hiện mắc và mối quan hệ giữa hiện mắc và mới mắc (14/07/2011) Số đo mới mắc (14/07/2011) Đánh giá các hoạt động TT GDSK (14/07/2011) Một số nguyên tắc trong lựa chọn nội dung TT GDSK (14/07/2011) Các nguyên tắc TT GDSK (14/07/2011) Tổ chức 1 buổi nói chuyện và thảo luận nhóm trong TT GDSK (14/07/2011) Nguyên tắc tư vấn GDSK (14/07/2011) Khái niệm về hành vi và hành vi sức khoẻ (14/07/2011)