Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Các nguyên tắc TT GDSK

Các nguyên tắc truyền thông GDSK

I. Nguyên tắc tính khoa học:

Là xác định các nội dung GDSK, lựa chọn phương tiện, phương pháp một cách khoa học, làm cho các nội dung này phù hợp với từng đối tượng giáo dục, từng cộng đồng. Nguyên tắc tính khoa học được thể hiện trong việc xác định nội dung GDSK dựa trên cơ sở điều tra nghiên cứu toàn diện về xã hội, tâm lý, dịch tể, kinh tế chính trị của mỗi cộng đồng để xác định và lựa chọn vấn đề ưu tiên cần giáo dục. Những nội dung GDSK cũng phải thực sự khoa học, đã được chứng minh bằng khoa học và thực tiễn. Trong khi tiến hành GDSK không nên đưa những nội dung mà các nhà khoa học còn đang bàn cãi, chưa rõ ràng, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Nguyên tắc tính khoa học được thể hiện trong việc lựa chọn những phương pháp, hình thức, phương tiện giáo dục sức khỏe khoa học, hiện đại song phải phù hợp với từng đối tượng, từng cộng đồng, từng giai đoạn, và từng hoàn cảnh kinh tế - xã hội nhất định.

II. Nguyên tắc tính đại chúng:

GDSK không những được tiến hành cho mọi người và vì lợi ích của mọi người trong cộng đồng xã hội, mà còn được mọi người tham gia thực hiện. Mọi người vừa là đối tượng của GDSK vừa là người tiến hành GDSK. Đối tượng của GDSK rất đa dạng, không thể cùng một lúc chúng ta có thể làm thay đổi hành vi sức khỏe của tất cả mọi người với mọi vấn đề về sức khỏe. Việc nghiên cứu đối tượng trong một đợt hoặc một nội dung là việc làm hết sức quan trọng cho phép chúng ta đạt được mục tiêu và hiệu quả của GDSK. Khi nghiên cứu đối tượng GDSK chúng ta cần chú ý những đặc điểm văn hóa, địa lý, xã hội, kinh tế, tôn giáo, trình độ học vấn và yếu tố dân tộc. Nội dung, phương pháp, phương tiện giáo dục phải mang tính phổ cập phù hợp với từng loại đối tượng.

III. Nguyên tắc tính trực quan:

Sử dụng các phương tiện trực quan trong GDSK sẽ gây được ấn tượng mạnh với đối tượng giáo dục làm cho đối tượng dễ tập trung và dễ nhớ. Để gây được ấn tượng sâu sắc cho mọi người, nội dung GDSK phải được minh họa hết sức cụ thể bằng những hình tượng sinh động, các phương tiện trực quan cần sử dụng trong GDSK là các tranh ảnh, mô hình, vật thật… Sử dụng phương tiện trực quan phải nhằm tạo thuận lợi cho đối tượng suy nghĩ và hành động để đạt được những mục tiêu đã định. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng bất cứ nội dung gì cũng phải có phương tiện trực quan. Bản thân người cán bộ y tế và cơ sở y tế với toàn bộ những hoạt động của mình phải là những mẫu hình trực quan sinh động có tác dụng giáo dục mạnh mẽ nhất đối với nhân dân. Tấm gương người cán bộ y tế và cơ sở y tế thông qua các hoạt động có thể phản chiếu thành hai mặt tích cực và tiêu cực cho sự hình thành hay thay đổi hành vi sức khỏe nhân dân.

IV. Nguyên tắc tính thực tiễn:

Mỗi lý luận khoa học về GDSK đều phải góp phần tích cực giải quyết được các vấn đề sức khỏe một cách thiết thực, mang lại hiệu quả một cách cụ thể thì mới có sức thuyết phục cao.

V. Nguyên tắc lồng ghép:

Lồng ghép trong GDSK là nhằm phát huy mọi nguồn lực sẵn có để đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình GDSK, tránh được những trùng lắp không cần thiết hoặc bỏ sót công việc, tiết kiệm nguồn lực, tránh lãng phí và nâng cao chất lượng công tác GDSK. Lồng ghép trong GDSK là sự phối hợp các mặt hoạt động trong quá trình GDSK. Phối hợp một số hoạt động của các chương trình GDSK có tính chất giống nhau hoặc có liên quan mật thiết với nhau nhằm tạo điều kiện hỗ trợ và tăng cường lẫn nhau để đạt hiệu quả chung tốt hơn. Phối hợp các hoạt động của GDSK với các lĩnh vực hoạt động khác của ngành y tế và các ngành khác, các giới, các đoàn thể nhân dân thành một quá trình chung nhằm tạo được những hành vi sức khỏe lành mạnh, từ bỏ được hành vi sức khỏe lạc hậu, có hại cho sức khỏe của mọi người.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 14/07/2011

Số lượt truy cập
11.018.150
281 người đang xem