Một số nguyên tắc trong lựa chọn nội dung TT – GDSK
I. Lựa chọn nội dung TT - GDSK phải đáp ứng các vấn đề sức khỏe ưu tiên:
Vấn đề sức khỏe, bệnh tật ưu tiên là những vấn đề sức khỏe bệnh tật phổ biến, hiện đang có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Những vấn đề sức khỏe cần ưu tiên trong TT - GDSK cho các cá nhân và cộng đồng có thể khác nhau, tùy theo từng địa phương, khu vực và phụ thuộc vào từng thời gian. Cũng có thể có các vấn đề sức khỏe, bệnh tật thường gặp, hay những kiến thức khoa học thường thức về sức khỏe, bệnh tật thường gặp, hay những kiến thức khoa học thường thức về sức khỏe, bệnh tật cần TT – GDSK cho tất cả mọi người, hoặc cho nhiều đối tượng trong cộng đồng, trên phạm vi rộng và cần thức hiện vào tất cả mọi thời gian, cũng được chọn là những vấn đề sức khỏe ưu tiên cho hoạt động TT – GDSK.
II. Các nội dung cụ thể cần TT – GDSK cho dối tương phải phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp thu của đối tượng:
Không nên trình bày nội dung quá đi vào chi tiết với đối tượng, chỉ nên nhấn mạnh những nội dung mà đối tượng phải biết và cần biết. Không nên trình bày quá nhiều nội dung đối tượng nên biết. Việc nghiên cứu kỹ đối tượng trước khi thưc hiện TT – GDSK là cần thiết để biết rõ các kiến thức, thái độ và thực hành của đối tượng (KAP) ở mức độ nào để soạn thảo nội dung cụ thể cho phù hợp. Nội dung phải đáp ứng đúng, đủ các mục tiêu TT – GDSK đã đặt ra.
III. Nội dung phải đảm bảo tính khoa học, thực tiễn:
Các nội dung chuyển tải đến đối tượng phải là nội dung được soạn thảo từ các tài liệu có cơ sở khoa học, gồm những kiến thức, thực hành đã được kiểm chứng và chính thức được sử dụng trong các tài liệu, y văn đã được lưu hành hợp pháp. Nội dung liên quan thiết thực và phải áp dụng được trong hoàn cảnh của đối tượng.
IV. Nội dung cần được trình bày rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu:
Trình bày nội dung cần tránh sử dụng các từ, cụm từ, thuật ngữ chuyên môn y học. Các nội dung được thể hiện bằng các câu từ ngắn gọn, đủ ý, không nên giải thích cơ chế dài dòng, giúp đối tượng dể dàng tiếp thu và làm được. Tốt nhất là sử dụng các ngôn ngữ của cộng đồng để diễn đạt nội dung. Đối với các vùng dân tộc ít người phải sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh của địa phương để trình bày.
V. Nội dung được trình bày theo trình tự hợp lý:
Những nội dung của một vấn đề TT - GDSK cần được trình bày theo trình tự hợp lý của tư duy lô gíc, phù hợp với tâm sinh lý của đối tượng để đối tượng dễ nhớ, dễ thực hiện.
Ví dụ khi TT - GDSK cho cộng đồng về phòng chống một bệnh nào đó có thể trình bày theo thứ tự như sau:
1) Tác hại hay ảnh hưởng của bệnh đến cá nhân, gia đình, xã hội.
2) Những nguyên nhân, đường lây truyền bệnh.
3) Biểu hiện và cách phát hiện bệnh sớm.
4) Cách xử trí bệnh khi phát hiện.
5) Phương pháp phòng, chống bệnh.
6) Tóm tắt những nội dung chính.
VI. Nội dung được chuyển tải đến đối tượng bằng các hình thức hấp dẫn
Có thể sử dụng lời nói trực tiếp, phối hợp với các ví dụ, hiện vật, hình ảnh minh họa gây ấn tượng mạnh cho đối tượng để chuyển tải nội dung TT - GDSK. Cần nghiên cứu kỹ các đối tượng để chọn phương pháp chuyển tải nội dung thông điệp phù hợp nhất với đối tượng, kèm theo các hình ảnh, ví dụ minh họa làm cho đối tượng tập trung chú ý.
Nghiên cứu cắt ngang (14/07/2011) Báo cáo ca bệnh và báo cáo loạt ca bệnh (14/07/2011) Tỉ lệ hiện mắc và mối quan hệ giữa hiện mắc và mới mắc (14/07/2011) Số đo mới mắc (14/07/2011) Đánh giá các hoạt động TT GDSK (14/07/2011) Các nguyên tắc TT GDSK (14/07/2011) Tổ chức 1 buổi nói chuyện và thảo luận nhóm trong TT GDSK (14/07/2011) Nguyên tắc tư vấn GDSK (14/07/2011) Các bước của quá trình thay đổi hành vi sức khoẻ (14/07/2011) Khái niệm về hành vi và hành vi sức khoẻ (14/07/2011)