Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Giải quyết vấn đề “gia đình trị” kiểu Việt Nam

Vấn đề nằm ở cơ chế giám sát và bảo vệ nhà đầu tư, và cơ chế “gia đình trị” kiểu Việt Nam . Quan sát ở các nước cho thấy những trường hợp khủng hoảng đều là những nước có cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ kém và thị trường không minh bạch, nên không có cách nào thực hiện “kỷ luật thị trường” để “trừng phạt” những người đại diện không hành động vì lợi ích cổ đông (như sa thải, kiện ra tòa chẳng hạn).

Vì không có giám sát hiệu quả nên những nhà đại diện cỡ bự này cứ tung hoành trong công ty như vào chốn không người, bất chấp lợi ích của cổ đông. Ứng dụng vào trong điều kiện Việt Nam, chúng ta thấy rõ là nếu như bản thân chủ tịch hội đồng quản trị Trần Xuân Đính bị “kỷ luật thị trường” từ sớm thì thiệt hại sẽ giảm nhiều. Ấy chính là vì cổ đông nhỏ như từng người dân của chúng ta không thể có cách nào giám sát và thi hành “kỷ luật thị trường” với ông Đính được; còn người đại diện chúng ta giám sát là Nhà nước thì lại kỷ luật ông ta theo kiểu kỷ luật rồi thăng chức!

Mặt khác, cơ chế “gia đình trị” kiểu Việt Nam còn nảy sinh vấn đề đại diện “kép”. Đó là chủ tịch hội đồng quản trị của tổng công ty Việt Nam là đại diện của cổ đông duy nhất là Nhà nước, như vậy là một tầng đại diện. Tầng đại diện còn lại là các tổng giám đốc và các nhà quản lý của các công ty thép, nhà máy ximăng... đại diện cho chủ tịch hội đồng quản trị. Điều này dẫn đến một vấn đề không hiệu quả trong điều hành công ty kiểu Việt Nam: không chỉ diễn ra sự xung đột giữa những người quản trị công ty như tổng giám đốc với chủ tịch hội đồng quản trị (như ở các nước phương Tây, và ở trường hợp Cosevco giữa ông Trần Xuân Đính và ông Ngô Khiết), mà còn diễn ra vấn đề đại diện giữa chủ tịch hội đồng quản trị với cổ đông lớn duy nhất là Nhà nước.

Như vậy khả năng điều hành không hiệu quả là rất cao! “Gia đình trị” của nước người ta thì chủ tịch hội đồng quản trị còn vì lợi ích của mình mà giám sát tổng giám đốc, còn chủ tịch hội đồng quản trị của mình còn lo xây “vương quốc trong mơ” của mình, chả lo gì đến cổ đông nhà nước hay cổ đông nhân dân cả. Có thể nói “gia đình trị” kiểu Việt Nam là một loại sản phẩm phái sinh (derivatives) hay lai tạp (hybrids) của hai loại điều hành không hiệu quả trong công ty là “gia đình trị” và “xây dựng vương quốc” của phương Tây. Mà sản phẩm lai tạp kiểu Việt Nam này sẽ loại bỏ tất cả những điểm tích cực (nếu có) của một cơ chế “gia đình trị” kiểu nước ngoài, chỉ giữ lại những điểm bất lợi.

Tóm lại, “gia đình trị” sẽ rất tai hại cho nền kinh tế trong điều kiện thị trường không minh bạch và không có kỷ luật thị trường. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong các kiến nghị của các tổ chức nước ngoài với Việt Nam gần đây đều có đề xuất đẩy mạnh cổ phần hóa. Cổ phần hóa, tưởng chừng không liên quan gì đến lạm phát, nhưng nếu được tiến hành một cách đúng nghĩa sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của hệ thống và mở ra cơ chế “kỷ luật thị trường” dành cho các chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của các công ty có vốn nhà nước, tạo sức ép buộc họ phải hành động vì lợi ích của “cổ đông nhân dân”. Ấy chính là thực hiện cơ chế dân chủ cho cổ đông nhân dân (shareholder democracy) vậy.

Như vậy, chúng ta tự sẽ giảm được lãng phí từ đầu tư nhà nước, tiết kiệm cho ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư mà không cần tăng cung tiền. Ấy là giải quyết lạm phát từ cái tầng sâu hơn của vấn đề, chứ không loay hoay với các giải pháp bề mặt. Mà đã giải quyết được như vậy, nguy cơ khủng hoảng sẽ bị đẩy lùi.

Còn nếu không giải quyết được cơ chế điều hành công ty và vấn đề minh bạch cùng giám sát thị trường, e rằng hàng chục ngàn tỉ đồng dự kiến không phải dùng để bù lỗ xăng dầu mà đem vào đầu tư phát triển sẽ lại vào tay các Cosevco khác. Nếu có chừng vài trăm Cosevco thì không biết bao nhiêu tiền ngân sách chi tiêu lãng phí, khiến cung tiền tăng, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế giảm mạnh (ICOR sẽ ngày càng tăng), thì chính sách thắt chặt tiền tệ có cứu nổi nền kinh tế không? Lúc đó không phải chúng ta phải bàn về lạm phát, mà phải mở diễn đàn về khủng hoảng mất!

HỒ QUỐC TUẤN www.tuoitre.com.vn
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010