Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Đồng bào

 

Đồng bào là một cách gọi giữa những người Việt Nam, có ý coi nhau như con cháu của cùng tổ tiên sinh ra. Từ đồng bào được sử dụng dựa trên truyền thuyết Trăm trứng nở trăm con. Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra một bọc trứng và nở ra một trăm người con là dân tộc Việt Nam ngày nay.

Theo nghĩa đen, "đồng bào"(同胞) có nghĩa là "cùng một bọc" hay "cùng một bào thai" và chỉ anh em ruột thịt cùng cha mẹ

Lịch sử dân tộc bảo tồn trong kinh Phật

Lục độ tập kinh là một tập kinh quan trọng trong Đại tạng kinh của Phật giáo thế giới . Tập kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 2, truyền bản của nó đến ngày nay gồm 8 quyển , 91 truyện , trình bày sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát gồm bố thí , trì giới , nhẫn nhục , tinh tấn , thiền định và trí tuệ . Các vị cao tăng đông tây kim cổ đều biết đến tập kinh này và từ lâu nó đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Nhật .

Lần đầu tiên sau gần hai ngàn năm lưu truyền của Lục Độ tập kinh , giáo sư Lê Mạnh Thát có những phát hiện cực kỳ quan trọng từ tập kinh này . Ông khẳng định tập kinh đó là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn ; Tăng Khương Hội , người dịch bản kinh đó , người mà sử sách cổ Trung Quốc coi là " bậc thánh hiền ", là một người Việt Nam ( ít nhất là sinh ra , lớn lên , học hành , theo đạo Phật , hành đạo và trước tác đều tại Việt Nam). Bằng kiến thức uyên bác về lịch sử , văn hóa và ngôn ngữ , ông đã truy tận gốc tất cả những tài liệu cổ xưa nhất có liên quan , tiến hành khảo sát , đối chiếu , giám định và đưa ra một loạt những kết luận với các chứng cứ không thể phản bác . Ông bảo tập kinh đó chứa đựng " một lượng bất bình thường " các tư tưởng , quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và lịch sử Việt Nam .

Phát hiện đầu tiên là Lục độ tập kinh chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc , đó là chuyện một trăm trứng . Điều này hết sức có ý nghĩa , là vì truyền thuyết đó được ghi vào sử sách bắt đầu từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên . Truy lùi lại thì thấy chuyện này được chép trong Lĩnh Nam chích quái . Truy nữa thì " bó tay ", không biết nó xuất phát từ đâu , chỉ thấy nó liên quan tới truyện Liễu Nghi đời ... Đường bên Trung Quốc . Từ trước tới nay mọi bàn cãi đều tập trung vào việc chấp nhận hay không truyền thuyết đó , mà chấp nhận hay phủ nhận nó không phải là vấn đề của lịch sử . Dân tộc nào cũng có truyền thuyết khởi nguyên , mà đã là truyền thuyết thì ít nhiều đều mang yếu tố hoang đường , nhưng đó là hồn thiêng dân tộc . Với Lục độ tập kinh , chúng ta đã truy ra thời điểm khởi nguồn của hồn thiêng dân tộc của mình .

Trong khi phát hiện truyền thuyết trăm trứng nằm trong Lục Độ tập kinh , giáo sư Lê Mạnh Thát còn khám phá một sự thật lịch sử thú vị liên quan đến An Dương Vương và Triệu Đà . Từ truyền thuyết trăm trứng nằm trong truyện 23 của Lục Độ tập kinh , ông đối chiếu với một dị bản bằng tiếng Phạn và lại phát hiện truyền thuyết An Dương Vương giống như câu chuyện về trận đánh quyết định trong anh hùng ca Mahàbhàrata giữa hai anh em Pandu và Duryodhana . Đối chiếu với tất cả những gì được ghi trong Sử Ký của Tư Mã Thiên và các tài liệu cổ sử khác của Trung Quốc , ông khẳng định truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại ( dưới ngòi bút của Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư ) là không có thật , nó chẳng qua chỉ là một phiên bản của câu chuyện Mahàbhàrata từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thời Hùng Vương mà thôi . Ông cũng tiếp tục đối chiếu sử sách và khẳng định không những không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương ( vì làm gì có An Dương Vương mà đánh !) mà nước ta cũng không bao giờ bị Triệu Đà chiếm . Nước Nam Việt của Triệu Đà chưa bao giờ bao hàm nước ta trong đó cả . Có nghĩa là , cho đến năm 43 ( sau dương lịch ), trước khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng thất bại , nước ta vẫn là một nước độc lập . Đó là triều đại Hùng Vương , là nhà nước Hùng Vương . Nhà nước đó đã được xây dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó , có luật pháp , có chữ viết , có lịch số , có âm nhạc , có văn học ... Nhà nước đó , nền văn hiến đó hoàn toàn không do người Trung Quốc đến " khai hóa " mà có . Nó có đủ bản lĩnh , đủ sức mạnh để tiếp thu những gì là tinh hoa và để tự vệ trước âm mưu nô dịch của ngoại bang. Nó có đủ sự nổi trội để đóng góp vào nền văn minh chung của nhân loại mà Lục Độ tập kinh là một trong những dẫn chứng sống động . Với những khám phá của ông , chúng ta có đủ tài liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước ...

www.thanhnien.com.vn
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010