Các nội dung giám sát các hoạt động y tế
I. Giám sát các hoạt động chuyên môn:
Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả dịch vụ, giám sát viên cần hỗ trợ kĩ thuật, tập trung giám sát chất lượng nhằm đảm bảo các dịch vụ y tế được cung cấp theo đúng chuẩn Quốc gia đã ban hành. Ngoài ra, giám sát viên cần phát hiện những sai sót, khó khăn vướng mắc và thảo luận với các nhân viên để tìm ra các phương pháp giải quyết thích hợp. Trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, các hoạt động chuyên môn có thể bao gồm:
1. Giám sát hỗ trợ cho các kĩ năng chung:
Có nhiều kĩ năng cần giám sát như: kĩ năng truyền máu và đảm bảo truyền máu đúng nguyên tắc, kĩ năng tư vấn, quy trình vô khuẩn dụng cụ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản,v..v..
2. Giám sát hỗ trợ cho các kĩ năng chuyên môn:
Bên cạnh đó cũng có nhiều kĩ năng chuyên môn cần giám sát như: làm mẹ an toàn (ví dụ: Chăm sóc trước đẻ, trong khi đẻ và sau đẻ), kế hoạch hóa gia đình (ví dụ: Cung cấp các biện pháp tránh thai), kỹ năng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục, phá thai an toàn..v..v..
II. Giám sát công tác quản lý chương trình:
Hiện nay, giám sát các hoạt động về quản lý ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà quản lý ở cấp tỉnh và huyện. Giám sát là cơ hội lý tưởng cho giám sát viên đưa ra các lời khuyên làm thế nào để quản lý tốt hơn việc cung cấp dịch vụ tại các cơ sở. Các hoạt động lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, theo dõi tiến độ, quản lý thông tin là những hoạt động cần được chú trọng trong quá trình giám sát. Cụ thể đó là:
1) Hoạt động lập kế hoạch:
Khi các nhân viên cùng tham gia vào lập kế hoạch, họ sẽ thấy được các mục tiêu của đơn vị và vai trò của mình trong việc thực hiện tốt các mục tiêu chung.
2) Tổ chức triển khai kế hoạch
Giám sát viên có thể cùng làm việc với cán bộ phụ trách chương trình để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Ví dụ như tìm cách tăng thêm nguồn lực từ địa phương, vận dụng có hiệu quả các hỗ trợ của nhà nước.
3) Quản lý nguồn lực
Giám sát viên giỏi không chỉ giúp người quản lý tốt các nguồn lực của đơn vị họ mà còn phối hợp với họ để huy động thêm các nguồn lực phục vụ nhằm thực hiện công việc một cách tốt nhất. Giám sát viên cũng có thể đưa ra các chiến lược nhằm sử dụng tối đa các nguồn lực có hạn của cơ sở.
4) Quản lý trang thiết bị, vật tư:
Giám sát viên nên hướng dẫn nhân viên thực hành kiểm kê cơ bản, giúp họ tính toán mức cung cấp tối đa và tối thiểu. Giám sát viên đóng vai trò quan trọng trong công việc bảo đảm cho đơn vị sử dụng và tận dụng tối đa các trang thiết bị được cung cấp.
5) Quản lý thông tin:
Giám sát viên phải đặc biệt chú ý tới các số liệu thống kê tại cơ sở. Thu thập, ghi chép, phiên giải, phân tích và công bố kết quả phải là một phần công việc của các nhân viên y tế cơ sở. Giám sát viên cần giải thích cách làm thế nào để nhân viên cơ sở có thể sử dụng các thông tin đó để nâng cao chất lượng các dịch vụ mà cơ sở họ cung cấp. Để giám sát được hoạt động này giám sát viên cần biết rõ nhiệm vụ của cơ sở, xác định được những thông tin cần thu thập, biết phân tích thông tin, cải tiến công tác thu thập và sử dụng số liệu, cùng với cơ sở sử dụng số liệu nhằm tăng cường chất lượng công việc.
Khái niệm về hành vi và hành vi sức khoẻ (14/07/2011) Tầm quan trọng, phân loại và qui trình đánh giá các hoạt động y tế (14/07/2011) Lập kế hoạch y tế (14/07/2011) Nhiệm vụ của bệnh viện (14/07/2011) Tầm quan trọng và một số phương pháp quản lý nhân lực (14/07/2011) Một số nội dung quản lý chính của y tế cơ sở (14/07/2011) Những chức năng cơ bản của quản lý y tế (14/07/2011) Tổ chức và nhiệm vụ y tế tuyến xã, phường (Trạm Y tế) (14/07/2011) Những đặc điểm chung và mô hình tổ chức hệ thống y tế Việt Nam (14/07/2011)