Những chức năng cơ bản của quản lý y tế
1. Lập kế hoạch:
Lập kế hoạch là chức năng mang tính chất kỹ thuật giúp cho các cơ sở y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có khả năng đương đầu với hiện tại và dự kiến tương lai. Điều đó bao gồm việc xác định làm việc gì, lúc nào và làm như thế nào. Chức năng lập kế hoạch là chức năng khởi đầu vì chức năng quản lí về tổ chức, nhân sự, điều hành, kiểm tra giám sát đều triển khai sau khi lập kế hoạch.
2. Lập tổ chức:
Lập tổ chức nghĩa là xác định các mối quan hệ về quyền hạn và trách nhiệm, quan hệ về cấu trúc và sự phụ thuộc. Công tác tổ chức nhằm tập hợp các nguồn lực và các hoạt đông một cách hợp lý, bao gồm việc phân công, mô tả công việc, các phương pháp và quá trình lao động, điều phối các bộ phận, sử dụng hệ thống thông tin và phản hồi. Công tác tổ chức ấn định chính thức các hoạt động của các cá nhân và các nhóm. Các hoạt động có những yếu tố: cấu trúc, nhiệm vụ, công nghệ, quan hệ con người và tác động giữa các yếu tố đó với nhau.
3. Lãnh đạo:
Lãnh đạo cũng có thể được xem là một chức năng của quản lý. Lãnh đạo là sự tác động đến con người, xuất hiện bất cứ lúc nào khi người ta muốn gây ảnh hưởng đến hành vi của một cá nhân hay một nhóm người vì bất cứ lý do gì có thể không tương hợp với mục đích của tổ chức. Như vậy để đạt được mục tiêu của tổ chức, công tác quản lý rất cần thiết phải lãnh đạo.
4. Ra quyết định:
Ra quyết định nghĩa là chọn lựa. Mọi nhà quản lí đều phải thực hiện chức năng này. Tuy vậy phạm vi, tính chất, tầm quan trọng của quyết định thay đổi tùy theo vị trí, mức độ, quyền hạn và trách nhiệm của người quản lý.
5. Điều khiển:
Điều khiển nhằm vào việc thúc đẩy hành động trong tổ chức, hướng về con người. Những hoạt động điều khiển chính là: động viên, chỉ đạo và giao tiếp cùng với các hoạt động khác tác động vào hành vi của nhân viên. Những người quản lý ở mọi cấp đều sử dụng mối liên hệ con người và các kỹ năng hành vi.
6. Kiểm tra và giám sát:
Kiểm tra là xem xét việc thực hiện theo quy định, còn giám sát về mục đích và việc làm có khi cũng như kiểm tra nhưng thường xem xét về kỹ thuật chuyên môn. Về bản chất giám sát là một hình thức quản lí trực tiếp: thu thập thông tin tin liên tục, phân tích thông tin để đưa ra những quyết định, những giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề. Giám sát còn có nghĩa là trong khi thực hiện, người giám sát xem xét và tìm ra các vấn đề rồi cùng với người được giám sát và những người có liên quan tìm cách giải quyết các vấn đề đó. Như vậy giám sát là một quá trình hỗ trợ, đào tạo con người tại chỗ liên tục trong khi triển khai các hoạt động y tế nhằm hoàn thành và nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ.
7. Nhân sự:
Chức năng nhân sự là thu nhận và củng cố nguồn nhân lực. Nó thể hiện việc lập kế hoạch nhân lực, phân tích việc làm, tuyển dụng, đánh giá trình độ, trợ giúp nhân viên, an toàn và sức khỏe. Đồng thời thể hiện ở các hoạt động có ảnh hưởng đến hành vi và năng lực của các thành viên của tổ chức: đào tạo và phát triển, động viên, tư vấn và kỷ luật.
8. Đánh giá:
Đánh giá là chức năng quản lý y tế nhằm đo lường và xem xét, so sánh, đối chiếu các kết quả đạt được của một chương trình/ hoạt động trong một giai đoạn nhất định nào đó với mục đích:
- Đối chiếu kết quả với mục tiêu.
- Xem xét các vấn đề nảy sinh ra trong quá trình thực hiện.
- Ra quyết định điều chỉnh.
- Chuẩn bị cho việc lập kế hoạch.
Khái niệm về hành vi và hành vi sức khoẻ (14/07/2011) Tầm quan trọng, phân loại và qui trình đánh giá các hoạt động y tế (14/07/2011) Các nội dung giám sát các hoạt động y tế (14/07/2011) Lập kế hoạch y tế (14/07/2011) Nhiệm vụ của bệnh viện (14/07/2011) Tầm quan trọng và một số phương pháp quản lý nhân lực (14/07/2011) Một số nội dung quản lý chính của y tế cơ sở (14/07/2011) Tổ chức và nhiệm vụ y tế tuyến xã, phường (Trạm Y tế) (14/07/2011) Những đặc điểm chung và mô hình tổ chức hệ thống y tế Việt Nam (14/07/2011)