Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Cứu chứng khoán - Cứu ai?

TTO - Đọc bài viết "Chứng khoán đã được cứu" trên quý báo, tôi chạnh lòng khi nghĩ tới cảnh tình của những người thu nhập thấp trong xã hội ta.

Trước hết nói về thị trường chứng khoán và bất động sản: Khi "vào thời" của chứng khoán và bất động sản, chỉ một bộ phận nhỏ trong xã hội được hưởng lợi, mà người ta có thể gọi họ với nhiều tên gọi mỹ miều: các "đại gia", các "nhà đầu tư" ... Khi đó xã hội được hưởng lợi gì từ họ thì chưa rõ, duy có một điều thấy rõ là mức lạm phát tăng cao không kiểm soát được.

Các phân tích của các chuyên gia tài chính, chứng khoán trong thời gian qua cũng phản ánh một phần nào: Chứng khoán chưa thực sự trở thành một kênh huy động vốn vào đầu tư sản xuất kinh doanh, mà thực chất các công ty chủ yếu sử dụng tiền để tái đầu tư vào thị trường tài chính và bất động sản.

Vậy mới có cái cảnh nhà nhà làm ngân hàng, người người làm bất động sản. Tôi xin lấy một ví dụ đã tạo nên một vòng luẩn quẩn như sau: Một công ty cổ phần, phát hành một lượng cổ phiếu với giá thị trường cao gấp 5 - 6 lần mệnh giá. Huy động được lượng vốn lớn này, ngay lập tức người ta đầu tư bằng cách chọn một số loại cổ phiếu "blue-chip" nào để mua hoặc thậm chí làm cổ đông chiến lược. Phần khác thì bỏ tiền vào mua đất.

Lúc này họ có thể mua đất với giá gấp hai ba lần giá thị trường cũng không sao. Với thông tin mua được miếng đất đó, giá cổ phiếu của họ ngay lập tức tăng lên. Lúc này công ty cổ phần không hưởng lợi trực tiếp nữa mà là "đất" cho các nhà đầu tư kiếm lời, lướt sóng. Riêng về cái dự án nhà đất kia, đầu vào là giá đất đã cao thì đương nhiên đầu ra giá bán cao ngất ngưởng.

Tất nhiên là sẽ có những nhà đầu cơ thu mua và đem lại lợi nhuận cao. Nhưng thay vì chi tiền lời dự án đó cho cổ đông, công ty cổ phần sẽ phát hành thêm cổ phiếu "thưởng". Cổ đông quên mất là cái miếng đất đã được sử dụng rồi, đâu còn để tiếp tục mang lợi nhuận về cho công ty? Khi này công ty cổ phần lại tiếp tục chạy các dự án mới, giá đất tăng, và nguồn cung cho đất cũng giảm theo.

Khi đó cổ đông mất niềm tin, giá cổ phiếu xuống, thị trường nhà đất đóng băng, ... và các đại gia đang có nguy cơ từ tỷ tỷ phú trở thành tỷ phú...

Thì may thay, họ đã được cứu!!!

Vậy nên tôi xin đưa ra mấy câu hỏi mong được tòa soạn giúp lấy ý kiến:

1. Cứu thị trường nhà đất thì người dân có được hưởng lợi gì? Liệu nhà nước có tính đến quyền lợi của những người nghèo và thu nhập trung bình? Họ đã không mua được nhà thì phải đi thuê. Mà nhà đất giá cao thì đương nhiên tiền thuê nhà tăng, có phải thu nhập của người không nhà sẽ giảm?

2. Thị trường chứng khoán tăng trở lại, vậy có thực sự có thêm một lượng vốn bỏ vào các dự án sản xuất kinh doanh thực sự, tạo thêm công việc, thu nhập cho người nghèo?

3. Khi đồng USD còn mạnh, chúng ta vẫn quản lý ngoại hối rất tốt. Nay thì nó không ổn định và suy yếu. Vậy lý do gì mà ta lại lệ thuộc vào USD nhiều thế? Cái ý định cho cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài mua trực tiếp bằng tiền USD có phải là đô la hóa nền kinh tế? Còn nếu bán USD để mua tiền Việt thì làm sao ngăn được lạm phát?

4. Và câu hỏi cuối cùng của tôi là vậy thì ai sẽ cứu người nghèo, các tầng lớp cán bộ công nhân viên có thu nhập trung bình và thấp trong xã hội ta, mà tiếc thay vẫn còn chiếm tỷ lệ đa số?

Tôi hiện đang điều hành một công ty có gần 100 công nhân. Tết vừa qua, tìm mọi cách giảm chi phí cũng chỉ tăng được 10% lương cho công nhân. Trong công ty vẫn còn một số lao động công nhật với thu nhập chỉ khoảng 1 triệu đồng. Cảm thấy áy náy mà lực bất tòng tâm vì tăng lương nữa thì ngoài khả năng của công ty. Nói thật, tôi chẳng dám nghĩ đến việc họ sẽ sống ra sao với 1 triệu đồng một tháng trong cơn bão giá hiện nay.

Vậy báo Tuổi Trẻ có thể hỏi giúp tôi, ai là người cần cứu ngay và đáng cứu, các "đại gia" hay những người lao động? Và cứu như thế nào?

Mong lắm nhận được sự đồng cảm của quý báo. Trân trọng và cảm ơn

HOÀNG CUNG - www.tuoitre.com.vn
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010
THÔNG TIN TIÊU ĐIỂM