Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
TOÀ ÁN HOA KỲ

Ở các quốc gia Âu châu, các tòa án chỉ có đối tượng xét xử là những cá nhân riêng biệt. Còn ta lại có thể nói được là tòa án tối cao Hoa kỳ đem ra xét xử cả những bang có chủ quyền. Khi mõ tòa tiến lên các bục cao của phiên tòa và hô to mấy lời này: “Vụ bang Newyork chống lại bang Ohio ”, ta có cảm giác không phải là mình đang ở bên trong tòa nhà xử án thông thường. Và khi ta nghĩ rằng một trong hai kẻ khiếu kiện kia đại diện cho hai triệu người, thì ta cảm thấy ngạc nhiên vì tầm trách nhiệm đè nặng lên bảy vị quan tòa mà quyết định của họ sẽ làm hoan hỉ hoặc làm sầu não một số lượng đồng bào mình đông đến thế.

Không ngừng nằm trong tay bảy vị quan tòa liên bang là hòa bình, là thịnh vượng, là ngay cả sự sống còn của liên bang. Không có các vị này, hiến pháp thành một tác phẩm chết. Ngành hành pháp khiếu kiện lên các vị này để cưỡng lại những chỗ bị ngành lập pháp dẫm đạp lên; còn bộ máy lập pháp thì cũng cậy các vị này để tự vệ chống lại những việc của ngành hành pháp. Liên bang cầu viện các vị này để buộc các bang tuân phục; còn các bang cầu đến các vị đó để đẩy lui những tham vọng quá đáng của liên bang. Lợi ích công cộng chống lại lợi ích riêng. Đầu óc bảo thủ chống lại sự bất ổn định của dân chủ. Quyền lực của bảy vị này thật vô biên; nhưng đó là quyền lực của dư luận. Các vị vô cùng mạnh chừng nào nhân dân đồng lòng tuân theo luật. Các vị chẳng làm nổi điều gì hết một khi bị nhân dân khinh rẻ. Vậy mà cái sức mạnh của dư luận lại là cái thứ khó đem dùng nhất, bởi vì thật không thể nói chính xác đâu là giới hạn. Đôi khi đứng ở mé này cũng nguy hiểm như là vượt quá các đường ranh.

Các quan tòa liên bang như vậy không thể chỉ là những công dân tốt, những con người có học và lão thực, những đức tính cần thiết cho mọi pháp quan, còn cần phải thấy ở họ những chính khách. Họ cần phải biết cách nhận rõ tinh thần thời đại mình sống, biết vượt qua những trở ngại có thể khắc phục được, và biết tránh dòng chảy khi con sóng đe dọa cuốn theo cùng với họ cả chủ quyền của liên bang lẫn sự phục tùng pháp luật.

Ông tổng thống có thể gục ngã song nhà nước không vì thế mà bị đe dọa, vì tổng thống chỉ có một nghĩa vụ hạn hẹp. Hạ viện có thể phạm sai lầm song liên bang không vì thế mà tiêu ma, vì bên trên hạ viện còn có đòan cử tri khả dĩ làm thay đổi đầu óc tổ chức này bằng cách thay đổi các thành viên của nó.

Thế nhưng nếu tòa án tối cao có khi nào chỉ bao gồm những con người bất cẩn hoặc hủ hóa, thì liên bang sẽ phải lo nạn vô chính phủ hoặc nội chiến (tr.315)

Nền dân trị Mỹ, Tocqueville, NXB Tri thức 2007.
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010