Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Gãy xương hở

Phân độ, chẩn đoán và xử trí gãy xương hở

I. Phân độ gãy xương hở:

Gustilo (1984) chia gãy xương hở làm 3 mức độ:

Độ I:

- Da rách khoảng 1 cm.

- Vết thương hoàn toàn sạch hầu hết do gãy hở từ trong ra.

- Đụng giập cơ tối thiểu.

- Đường gãy xương là đường ngang đơn giản hoặc chéo ngắn.

Độ II:

- Tổn thương phần mềm rộng, có thể là tróc da còn cuống hoặc tróc hẳn vạt da.

- Rách da > 1 cm.

- Cơ đụng giập từ nhẹ đến vừa, có khi làm chèn ép khoang.

- Xương gãy với đường gãy ngang đơn giản hoặc chéo ngắn với mảnh nhỏ.

Độ III:

- Tổn thương phần mềm rộng bao gồm cả cơ, da và cấu trúc thần kinh, mạch máu. Tốc độ tổn thương cao đưa đến giập nát phần mềm nhiều và hợp thành chèn ép dữ dội loại này gồm 3 nhóm:

+ IIIA: vết rách phần mềm rộng tương ứng với vùng xương gãy hoặc vết thương trong tầm đạn bắn gần.

+ IIIB: vết rách phần mềm rộng, với màng xương bị tróc ra và đầu xương gãy lộ ra ngoài, vùng gãy xương bị nhiễm bẩn nhiều.

+ IIIC: vết thương giập nát nhiều, xương gãy phức tạp và có tổn thương mạch máu cần phải phục hồi.

II. Chẩn đoán:

- Có gãy xương:

o Biến dạng trục.

o Sờ chạm xương gãy.

o Đo ngắn chi.

- Vết thương thông vào ổ gãy:

o Nhìn thấy xương gãy.

o Chảy máu có ván mỡ (mỡ trong tủy xương chảy ra).

o Đối với vết thương do đạn, có thể xem đạn đạo.

Có khi khám lâm sàng mà không kết luận được mà phải nhờ đến cắt lọc, khi mổ cắt lọc cẩn thận từng lớp, nếu có gãy hở sẽ thấy thông vào ổ gãy.

III. Xử trí:

1. Trước hết phải xử trí những tổn thương:

Có nguy cơ đe dọa tính mạng nếu có như các biến chứng sốc chấn thương, TMMDM, chèn ép khoang, tổn thương mạch máu, thần kinh và các phủ tạng….

2. Xử trí gãy xương hở có 3 nguyên tắc chính:

- Cắt lọc vết thương: để loại bỏ mô giập nát.

- Nắn và bất động xương gãy chờ thời gian liền xương.

- Dùng kháng sinh hỗ trợ cho cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Sau đây là những việc làm cụ thể:

a) Cắt lọc vết thương:

Đây là một việc làm rất quan trọng và thiết thực trong điều trị gãy hở. Mục đích của nó là nhằm loại bỏ các mô giập nát, hoại tử, máu tụ, dị vật… Đồng thời còn có nhiệm vụ tái tạo những khuyết hỏng do tổn thương như nắn lại xương, khâu lại cơ, gân, mạch máu, thần kinh và bảo vệ các thành phần này. Việc xối rửa vết thương trong lúc mổ với nhiều nước làm cho loại bỏ bớt mầm mống vi trùng gây bệnh đã xâm nhập ra khỏi vết thương.

Đối với da và mô dưới da, phải xén bỏ nếp da nham nhở và cắt cho gọn lại, tùy theo vùng chi mà việc xén bỏ này có thể nhiều hay ít (ở bàn tay cần cắt lọc tiết kiệm). Việc mở rộng vết thương về 2 phía nhằm mở rộng phẫu trường thấy rõ hết tổn thương và để thoát lưu máu sau mổ. Nên chọn hướng và vùng thích hợp khi mở rộng. (Sau khi mổ thì nơi này không làm lộ xương, không làm tổn thương mạch, thần kinh và dễ dàng cho dịch thoát ra ngoài).

b) Cân:

Tổ chức này chắc nhưng ít đàn hồi nên dễ gây chèn ép. Vì vậy, cần rạch dọc cân đồng thời cũng tạo thêm những đường rạch ngang để chống căng. Cân cơ giập nát phải cắt bỏ.

c) Cơ:

Phải cắt bỏ các thớ cơ bị giập, rách nát vì nó dễ bị hoại tử và trở thành nguồn nuôi dưỡng tốt nhất của vi trùng, cắt bỏ các phần cơ mà khi chạm vào không co giật hoặc không rớm máu. Cắt bỏ nhiều cơ sẽ bị khuyết mất mô, mất chức năng sau này và dể làm lộ xương, gân, thần kinh, mạch máu. Nếu cắt đứt ngang toàn bộ bụng cơ thì phải khâu lại.

d) Gân:

Gân đứt rất nham nhở thì cắt bỏ, đứt ngang gân thì phải khâu lại (có thể để khâu kỳ 2 nếu vết thương không sạch).

e) Mạch máu và thần kinh:

Nếu là mạch máu và thần kinh chính của chi thì phải khâu nối lại, thần kinh có thể để khâu kỳ 2.

f) Xương gãy:

Xương gãy cần phải làm sạch các đầu gãy rồi nắn lại trước khi dùng các biện pháp thích hợp. Các mảnh xương gãy nát dù lớn hay nhỏ cũng không nên lấy bỏ. Lấy bỏ nhiều xương có nguy cơ khớp giả. Các mảnh xương này tuy đã mất nguồn dinh dưỡng nhưng không là nguyên nhân của nhiễm trùng, chỉ khi nào vết thương bị nhiễm trùng thì trở thành xương chết và cần phải lấy bỏ.

Sau khi mổ cắt lọc nên để da hở, nhưng phải tìm cách che xương, mạch máu, thần kinh và gân. Khi vết thương không bị nhiễm trùng (lên mô hạt tốt) sẽ khâu lại hoặc ghép da.

g) Bất động xương gãy:

Xương gãy cần được bất động vững chắc và sau khi đã nắn tốt. Để bất động có thể dùng bột bó, kéo tạ, đặt cố định ngoài và hạn chế việc dùng cố định trong (vì đưa thêm dị vật vào ổ gãy dễ làm nhiễm trùng nhiều hơn). Việc dùng cố định ngoài ngày nay rất phỗ biến và có nhiều tác dụng tốt.

h) Dùng kháng sinh:

Kháng sinh chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không thể thay thế được cắt lọc, tuy nhiên nhờ có kháng sinh mà việc mổ cắt lọc được thuận lợi hơn, ít bị nhiễm trùng hơn.

Kháng sinh nên dùng sớm từ ngay sau khi bị thương hoặc khi mới vào viện, chọn loại có phổ rộng và hiệu quả hiện nay (đáng lý ra dùng kháng sinh nên theo kháng sinh đồ, nhưng phải mất nhiều ngày sau mới có), nên dùng liều cao và liên tục nhiều ngày (ít nhất 3 – 5 ngày), trong cấp cứu nên dùng loại tiêm và tốt nhất là tiêm tĩnh mạch (để nhanh chóng đạt nồng độ kháng sinh tối đa trong máu), khi vết thương ổn định nên thay bằng kháng sinh uống.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 04/07/2011
 1  2