Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Chấn thương cột sống - tuỷ sống

Trình bày phân loại, sơ cứu và các biến chứng của chấn thương cột sống – tủy sống

I. Phân loại chấn thương cột sống – tủy sống (CTCS – TS):

Các tổn thương CSTS có thể phân loại:

1) Gãy vững hay không vững:

1. Kelly, Whitesides, Holdsworth, chia cột sống thành 2 cột:

o Cột trước là thân đốt sống.

o Cột sau là phức hợp dây chằng sau (đoạn di động của Roy – Camille).

Khi nào tổn thương cột sau mới gọi là gãy không vững.

2. Denis chia cột sống thành 3 cột: cột trước, cột giữa và cột sau. Phân loại của Denis được nhiều người chấp nhận, gãy không vững khi tổn thương trên 2 cột.

2) Tổn thương tủy sống hoàn toàn/ không hoàn toàn:

Dựa vào lâm sàng, tổn thương tủy sống hoàn toàn khi BN mất hoàn toàn chức năng vận động, cảm giác và phản xạ dưới tổn thương sau khi chấm dứt giai đoạn choáng tủy.

Phân độ chấn thương cột sống theo Frankel.

Loại

Triệu chứng

A

Không còn vận động, cảm giác nào dưới tổn thương

B

Còn cảm giác, không có vận động

C

Có vận động nhưng không hữu hiệu

D

Có vận động hữu hiệu

E

Hoạt động cảm giác, vận động bình thường

II. Sơ cứu bệnh nhân CTCS – TS:

Mục đích điều trị CTCS là giảm liệt thần kinh và ngăn chận mất chức năng thần kinh tiến triển. Cột sống phải được bất động tốt để tránh các tổn thương thứ phát. Petitjean ME, Chiles BW: các bước hồi sức và đánh giá ban đầu được thực hiện tại hiện trường hay ở khoa cấp cứu tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp, kỹ năng của nhân viên cấp cứu. Tiên lượng sống và phục hồi thần kinh của CTCS phụ thuộc vào giai đoạn tiếp nhận bệnh nhân; 10 – 15% có tổn thương thần kinh lúc xảy ra tai nạn, nên cần thiết tôn trọng các nguyên tắc sau: bất động tốt cột sống, khai thông đường hô hấp, cung cấp oxy.

1. Bất động cột sống:

Mọi BN chấn thương có hôn mê được xem có tổn thương cột sống cổ và được xử trí như BN CTCS, bất động cho đến khi X quang hoặc chụp cắt lớp loại trừ. Tư thế trung lập, không gập, duỗi xoay cổ và thân mình trong suốt thời gian chuyển BN đến trung tâm chấn thương.

- Bất động bằng nẹp cổ cứng với 3 điểm tựa: cằm, cán ức và xương chẩm, và đặt 2 túi cát bất động 2 bên đầu; 5% BN chấn thương nặng có tổn thương cột sống cổ không vững, trong đó 2/3 số BN không liệt; các nghiên cứu cho thấy đã giảm tổn thương tủy thứ phát từ 50% xuống 39% nhờ nhận biết sớm các CTCS không vững.

- Cột sống lưng và thắt lưng: bất động trên băng ca cứng và quấn chặt thân mình với tấm chăng kiểu vỏ sò.

2. Đường hô hấp:

Nguy hiểm CTCS cổ có ảnh hưởng tủy sống là suy hô hấp do liệt thần kinh hoành, do hít dịch dạ dày vào đường thở. Xử trí:

- Cho thở oxy 100%.

- Nếu CTCS cổ cao (C0 – C2) cần  đặt nội khí quản và giúp thông khí.

- Kỹ thuật đặt nội khí quản đúng, cho BN thở oxy, dẫn mê nhanh và 3 người thực hiện (giữ đầu thẳng trục thân mình, chích thuốc an thần, và đặt nội khí quản).

- Có thể mở sụn nhẫn giáp cấp cứu nếu không đặt được nội khí quản.

3. Tuần hoàn:

Trong CTCS – TS nhất là vùng cột sống cổ có thể gây hội chứng phong bế giao cảm gây dãn mạch làm hạ huyết áp, mạch chậm;  xử trí cho truyền dung dịch điện giải < 1000 ml đủ điều chỉnh giảm thể tích; nếu hạ huyết áp kéo dài cần đặt catête động mạch đo cung lượng tim, áp lực động mạch phổi; dùng thuốc vận mạch như Metaraminol 20 – 50 µg/phút hoặc Dopamine 2 – 15 µg/kg/phút.

4. Thuốc:

- Corticoit: BN CTCS có liệt, đến sớm trong 8 giờ đầu: cho Methylprednisolone  (Solumedrol) liều tấn công 30 mg/kg/TM/15 phút. Sau 45 phút dùng liều duy trì 5,4 mg/kg/TTM trong 23 giờ tiếp theo.

- Theo nghiên cứu của hội thần kinh Hoa Kỳ Methylprednisolone (Solumedrol) cải thiện đáng kể chức năng vận động lâu dài của BN.

5. Điều trị hỗ trợ khác:

- Đặt sonde tiểu tránh liệt bàng quang và theo dõi lượng nước tiểu.

- Đặt sonde dạ dày tránh hít dịch dạ dày vào phổi, tránh liệt ruột.

- Thuốc bảo vệ dạ dày: kháng thụ thể H2, Cimetidine hay Ranitidine.

- Phòng viêm tắc tĩnh mạch và thuyên tắc phổi: Heparine 5000 UI/12 giờ.

6. Thống kê thương tổn:

Khám đánh giá thần kinh, chẩn đoán sơ bộ vị trí tổn thương, cố định cột sống và chuyển BN sớm đến trung tâm ngoại thần kinh/chấn thương chỉnh hình.

III. Biến chứng:

1. Biến chứng hô hấp:

Ảnh hưởng tiên lượng sống trong giai đoạn cấp và liên quan đến CTTS cao. Thường do ứ đọng trong đường hô hấp, xẹp phổi và viêm phổi. Cần hút đàm và tập vật lý, giúp ho và thông khí nhân tạo.

2. Tim mạch:

Các tai biến thuyên tắc phổi do huyết khối tĩnh mạch chi dưới.

3. Tiêu hóa:

Loét dạ dày do kích ứng, giãn dạ dày cấp gây hít dịch vô phổi.

4. Tiết niệu:

Nhiễm trùng tiểu và viêm tinh hoàn, viêm tiền liệt tuyến, nhiễm trùng huyết. Cần theo dõi và vô khuẩn khi đặt sonde tiểu.

5. Da:

Loét do tì đè; cần thay đổi tư thế xoa bóp, giường xoay.

6. Rối loạn tâm thần:

Thường gặp trong BN CTTS nặng; nên cần chăm sóc tâm lý sớm cho những BN này; cho thuốc chống trầm cảm, an thần ngay sau giai đoạn cấp.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 04/07/2011
 1  2