Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Gãy thân xương cánh tay

Chẩn đoán, xử trí và biến chứng của gãy thân xương cánh tay

I. Chẩn đoán:

Gãy ở thân xương cánh tay là gãy hoàn toàn (trừ khi gãy ở trẻ con có thể gặp ở dạng gãy cành tươi), phần lớn đều có di lệch nên các dấu hiệu dồi dào.

1. Hỏi bệnh sử và cơ chế chấn thương.

2. Triệu chứng chắc chắn:

- Biến dạng: gập góc, ngắn chi.

- Cử động bất thường.

- Tiếng lạo xạo xương (phát hiện khi tìm cử động bất thường).

3. Triệu chứng không chắc chắn:

- Sưng, bầm tím.

- Mất cơ năng.

- Đau chói (chỉ chỗ gãy).

Nếu gãy không di lệch, cần tìm dấu hiệu dồn gõ từ xa có đau chỉ điểm.

4. X quang:

Xác định vị trí gãy, đường gãy và di lệch.

II. Điều trị:

1. Bảo tồn:

Đối với gãy xương cánh tay, yêu cầu điều trị không cần phải nắn thật chính xác, nếu liền xương vững chắc mà còn một ít di lệch chồng ngắn và gập góc nhẹ cũng dễ dàng chấp nhận.

Vì vậy đa số được điều trị bảo tồn.

Phương pháp nắn xương:

- BN nằm ngửa, tê ổ gãy.

- Treo tay lên khung nắn, treo tạ tăng dần.

- Đo chiều dài cánh tay khi lấy lại được chiều dài tiến hành nắn các di lệch khác: gập góc, sang bên, trước sau hoặc di lệch xoay nếu có.

- Nắn hết các di lệch, tiến hành bó bột.

- Bột giữ 6 – 8 tuần (có can vững).

- Chỉ tập vật lý trong bột và sau khi tháo bột đến khi phục hồi chức năng BN trở về môi trường sinh hoạt.

Có thể áp dụng các hình thức như sau:

- Bó bột ngực – cánh tay dạng vai: thường chỉ áp dụng cho các gãy 1/3 trên cao, đoạn gãy gần bị cơ trên gai kéo dang.

- Bột chữ U và chữ U cải tiến: dùng bất động khúc khuỷu và khớp vai (bất động 2 khớp).

- Bột Desault: bất động khớp vai và cánh tay.

- Bột cánh – bàn tay ôm vai.

- Bột treo (hanging cast): bột chỉ bó đến trên chỗ gãy #2 cm và dùng gắng sức của bột để trì kéo cánh tay cho thẳng trục. Nếu bột nặng quá có nguy cư di lệch xa à khớp giả. Bột treo phải theo dõi thường xuyên để điều chỉnh di lệch (chú ý chỗ cột dây treo và chiều dài dây treo), bệnh nhân phải ngủ ngồi.

- Nẹp tre: gồm nhiều thanh tre mỏng đặt trong những ngăn của một bao vải dùng để quấn vòng quanh chi và cột lại. Nguyên lý giống nẹp Sarmiento. Dùng điều trị các gãy xương không di lệch, di lệch ít hoặc sau khi đã bó bột có cal non, (phương pháp điều trị cơ năng).

2. Phẫu thuật:

Nếu điều trị bảo tồn thất bại, xương còn di lệch nhiều, di lệch xa hoặc kèm liệt thần kinh quay thì nên điều trị phẫu thuật kết hợp xương.

- Nẹp vis A. O (nếu gãy ngang nên dùng nẹp có nén ép).

- Đinh Kuntscher.

- Đinh Rush.

Cần tập vận động sớm sau khi bó bột hoặc phẫu thuật.

III. Biến chứng:

Các biến chứng chung của gãy xương đều có thể gặp. Tuy nhiên hay gặp nhất là:

1. Liệt thần kinh quay:

Đây là biến chứng sớm thường gặp nhất, đa số do đầu xương gãy đè gây bầm giập hoặc bị kẹt vào khe gãy, ít khi bị đứt (trừ khi bị vết thương). Ngay sau khi khám bệnh nhân lần đầu tiên phải xem có biến chứng này không. Dấu hiệu điển hình là bàn tay rũ, cổ cò (do liệt cơ duỗi cổ tay và duỗi chung ngón). Nếu thần kinh không đứt thì có khả năng phục hồi, tuy nhiên rất chậm. Vì vậy, hiện nay nhiều người chủ trương nên mổ sớm để khảo sát gỡ kẹt và giải ép hoặc nếu đứt thì nối lại thì khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn. Mổ thám sát thần kinh đồng thời KHX cánh tay. Nếu bệnh nhân đến muộn xương gãy có thể đã liền thì không cần KHX, thần kinh quay có thể giải ép, có thể phục hồi nhưng nếu liệt quá lâu biện pháp điều trị tốt hơn là chuyển gân.

2. Khớp giả

Nguyên nhân thường gặp do di lệch xa, do cơ chèn vào ổ gãy hoặc gãy nhiều mãnh di lệch nhiều (nhất là gãy hở). Xử trí bằng phẫu thuật KHX có thể phải kèm theo ghép xương xốp.

3. Cal lệch

Với các phương pháp điều trị bảo tồn thì cal lệch dễ xảy ra. Tuy nhiên, biến chứng này thường không ảnh hưởng nhiều đến chức năng, có thể xấu về thẩm mỹ. Nếu cal lệch nhiều thì mổ phá cal và KHX.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 04/07/2011
 1  2