Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Sử dụng máu và các sản phẩm máu

Chỉ định và chống chỉ định sử dụng máu và các sản phẩm máu.

I. Khối hồng cầu (hồng cầu lắng)

Khối hồng cầu được sản xuất bằng phương pháp tách chiết huyết tương ra khỏi máu toàn phần. Thể tích một đơn vị khối hồng cầu khoảng 150 – 200 ml với hematocrit khoảng 55 – 65%. Khối hồng cầu cũng có thể được sản xuất bằng phương pháp gạn hồng cầu bằng máy tách tế bào.

1. Chỉ định:

- Truyền khối hồng cầu được chỉ định với mục đích làm tăng khả năng vận chuyển oxy của máu, tức là làm tăng nồng độ hemoglobin trong máu. Mỗi đơn vị khối hồng cầu chuẩn có khả năng làm tăng nồng độ Hb lên thêm 10 g/l hoặc tăng Hct lên thêm 3%.

- Chỉ định truyền khối hồng cầu còn phụ thuộc vào một yếu tố khác như nguyên nhân của thiếu máu, thiếu máu cấp tính hay mãn tính, khả năng bù trừ của bệnh nhân đối với tình trạng thiếu máu.

- Cùng với các nguyên tắc chung cần nắm vững khi chỉ định truyền máu, chỉ định truyền khối hồng cầu còn có một số các nguyên tắc khác như sau:

+ Phải xác định được nguyên nhân thiếu máu.

+ Không có một mức Hb chuẩn cho chỉ định truyền khối hồng cầu cho tất cả các bệnh nhân thiếu máu. Bên cạnh thông số về nồng độ Hb, việc đánh giá tình trạng lâm sàng BN đóng vai trò quyết định trong chỉ định truyền khối HC.

+ Trường hợp khẩn cấp có thể sử dụng khối hồng cầu nhóm O để truyền.

- Thực tế lâm sàng cho thấy, cơ thể được cung cấp đầy đủ oxy khi lượng Hb 7 g/dl. Vậy nên khối HC được chỉ định khi:

+ Hb < 7 g/dL (hoặc < 8 g/dL nếu bệnh nhân trên 65 tuổi)

+ BN có bệnh tim mạch hoặc hô hấp.

+ BN điều trị hóa chất có thể chỉ định truyền khối HC khi lượng Hb < 8 hoặc < 9 g/dL

2. Chống chỉ định:

Những trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12, acid Folic hay thiếu máu thiếu sắt.

II. Hồng cầu nghèo bạch cầu:

HCL được lấy bớt 70 – 85% bạch cầu bằng cách ly tâm, lọc hay chiếu tia cực tím.

Chế phẩm này dành cho BN ghép cơ quan hay chuẩn bị ghép cơ quan để ngừa phản ứng miễn dịch chống bạch cầu và ở những BN có tiền căn sốt sau truyền truyền.

III. Hồng cầu rửa:

Rửa hồng cầu bằng nước muối sinh lý, nhờ đó lấy hết plasma, một số bạch cầu và tiểu cầu. Hồng cầu rửa phải được truyền trong 24 giờ vì nguy cơ nhiễm vi khuẩn trong quá trình rửa.

Hồng cầu rửa dùng cho BN bị phản ứng mẫn cảm với plasma (BN thiếu IgA), truyền máu cho trẻ sơ sinh hoặc BN bị tiểu máu do tán huyết ban đêm để tránh giai đoạn tán huyết.

IV. Tiểu cầu đậm đặc:

1. Chỉ định:

Truyền tiểu cầu để cầm máu:

- Chỉ định BN có số lượng tiểu cầu giảm + chảy máu.

- Truyền máu khối lượng lớn.

- Chuẩn bị phẫu thuật cho những BN đang dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu.

- Cần phẫu thuật ổ bụng: TC > 75 k/uL

- Phẫu thuật sọ não: TC > 100 k/uL

2. Chống chỉ định:

Giảm tiểu cầu do miễn dịch (trừ khi tiểu cầu BN giảm quá nặng + chảy máu đe doạ tính mạng).

3. Liều lượng:

- Liều 4 – 6 đơn vị TC có khả năng tăng số lượng TC lên thêm 20 – 40 k/uL đối với một người nặng 60 – 70 kg. Đối với trẻ em: liều lượng thường 1 đv/10 kg cân nặng.

- Đối với khối TC gạn từ một người cho bằng máy tách tế bào: khối TC loại này tương đương với 4 – 5 đv TC thường.

- Chỉ định truyền khối TC “máy” khi BN không đáp ứng với khối TC lấy từ nhiều người (thường do bất đồng miễn dịch hệ HLA).

4. Cách dùng:

- Khối tiểu cầu cần được truyền ngay sau khi lĩnh về phòng bệnh.

- Truyền tốc độ nhanh sẽ tốt (60 – 100 giọt/phút).

V. Huyết tương tươi đông lạnh:

1. Chỉ định:

- Truyền máu khối lượng lớn.

- Chảy máu có rối loạn đông máu  (TP, aPTT tăng 1,5 lần so với bình thường)

2. Chống chỉ định

- Không chỉ định truyền HTTĐL khi các rối loạn đông máu có thể điều trị hiệu quả hơn bằng các phương pháp điều trị đặc hiệu như vitamin K, tủa lạnh yếu tố VIII, dung dịch cô đặc yếu tố VIII, IX…

- Không dùng HTTĐL với mục đích chống tình trạng giảm thể tích tuần hoàn khi có các dung dịch truyền khác dạng dung  dịch điện giải (crystalloid) hoặc dung dịch cao phân tử (colliod).

3. Liều lượng:

- Lượng HTTĐL được chỉ định phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của BN và có thể điều chỉnh theo kết quả của các XN đông máu như tỷ lệ prothrombin hoặc APTT.

- Liều khởi đầu có thể khoảng 10 – 20 ml/kg cân nặng.

4. Cách dùng:

HTTĐL sau khi làm tan đông ở nhiệt độ 30 – 37oC cần được truyền càng sớm càng tốt. Tuy nhiên có thể bảo quản ở nhiệt độ 1 – 6oC trong vòng 6 – 8 giờ.

VI. Kết tủa lạnh (cryoprecipitate)

Lấy từ huyết tương tươi ở 1 – 60C, dự trữ đông lạnh trong vòng 1 năm. Một đơn vị kết tủa lạnh có thể tích 15 ml và chứa 80 đơn vị yếu tố VIII, yếu tố XIII và lượng lớn yếu tố Von Willebrand, 150 mg Fibrinogen và Fibronectine.

Chỉ định truyền kết tủa lạnh:

- BN có giảm fibrinogen: khi fibrinogen < 100 mg/dL; BN cần phẫu thuật ngay sớm sau khi điều trị thuốc tiêu sợi huyết, có giảm nặng fibrinogen.

- Bệnh Von Willebrand và đang chảy máu.

- BN bị hemophilia A khi không có yếu tố VIII.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 03/07/2011