Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Chẩn đoán và thái độ xử trí phù phổi cấp huyết động

Chẩn đoán và thái độ xử trí phù phổi cấp huyết động

I. Chẩn đoán: chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng

1) Triệu chứng cơ năng:

- Bệnh nhân đang nằm cảm thấy ngột ngạt, phải ngồi dậy để thở.

- Khó thở nhanh, nông, càng lúc càng tăng.

- Ho với tính chất liên tục, lúc đầu ho khan, sau ho khạc đàm loãng lẫn bọt – lúc đầu ho khạc đàm lẫn bọt trắng lượng ít, sau bọt hồng nhiều trào qua miệng.

- Tình trạng chung lo lắng, hốt hoảng, vã mồ hôi, có thể tím tái.

2) Triệu chứng thực thể:

a. Hô hấp:

· Phổi nhiều ran ẩm. Lúc đầu xuất hiện ở đáy phổi, nhanh chóng phát triển lên đỉnh phổi như thuỷ triều dâng.

· Đôi khi nghe được ran rít.

b. Tim mạch:

· Tiếng tim nhỏ, có thể nghe được tiếng ngựa phi, tiếng thổi tâm thu ở mõm của hở 2 lá,…

· Mạch: nhanh, nhỏ.

· Huyết áp: bình thường hoặc tụt, trừ phù phổi cấp trong cơn tăng huyết áp.

3) Cận lâm sàng:

a. X quang phổi:

- Hình ảnh thâm nhiễm dạng nốt lan toả từ rốn phổi đi ra ngoại vi gợi ý đến phù phổi cấp do tim.

- Ngoài ra còn quan sát được bệnh lý đi kèm hoặc quá tải tuần hoàn (bóng tim to, tái phân phối tuần hoàn phổi, tăng chiều rộng của cuống mạch máu, đường Kerley B và tràn dịch màng phổi).

b. Điện tim:

- Nhịp nhanh xoang, sóng P có thể cao hơn so với các điện tim trước đó.

- Dấu hiệu của bệnh tim mạch:

o Dày thất trái trong tăng huyết áp.

o Dày nhĩ trái, dày thất phải trong hẹp 2 lá…

c. Khí máu:

PaO2 giảm, PaCO2 còn bình thường hoặc tăng.

II. Thái độ xử trí:

1) Thở oxy và thông khí:

- Thở oxy qua sonde mũi (với lưu lượng oxy 4L/phút) hoặc mặt nạ với 100% oxy.

- Thông khí áp lực dương: được chỉ định khi thở oxy không đảm bảo sự tưới máu (không đáp ứng với điều trị nội khoa trong 10 – 20 phút) và suy hô hấp nặng.

2) Tư thế:

- Nửa nằm nửa ngồi (tư thế Fowler, đầu cao 45o).

- Bệnh nhân ở tư thế ngồi thỏng 2 chân xuống giường nếu không có tụt huyết áp.

3) Lợi tiểu:

- Lợi tiểu quai: Furosemide rất có hiệu quả trong phù phổi cấp, kể cả những trường hợp giảm Albumin máu, giảm Natri và Clo máu.

- Tác dụng:

o Dãn mạch.

o Lợi tiểu.

o Giảm hậu tải.

- Liều: 0,5 – 1 mg/kg.

4) Nitrate:

- Nitroglycerin và isosorbide dinitrate.

- Tác dụng chủ yếu dãn tĩnh mạch và dãn mạch vành.

- Nitroglycerin ngậm dưới lưỡi (0,4mg x 3 mỗi 5 phút) được sử dụng đầu tiên.

- Nếu không đáp ứng hoặc không có tụt huyết áp, truyền Nitroglycerin liều 100 µg/phút. Tăng 5 – 10 µg/phút sau mỗi 5 phút khi không cải thiện triệu chứng.

- Các chống chỉ định của Nitrate:

o Mạch > 110 lần/phút hoặc < 50 lần/phút.

o Huyết áp tâm thu < 90 mmHg.

o Nhồi máu cơ tim thất phải.

5) Morphine:

- Tác dụng: giảm lo lắng, dãn tĩnh mạch phổi và tĩnh mạch  ngoại biên qua đó giảm lưu lượng máu trở về tim để lên phổi, giảm triệu chứng khó thở.

- Liều: 2 – 4 mg TM.

- Thận trọng: ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì morphine ức chế hô hấp có thể gây ngưng thở.

6) Thuốc vận mạch:

Dùng trong phù phổi cấp có tụt huyết áp:

- Dopamin:

o Liều: 1 – 3 µg/kg/phút chủ yếu kích thích thụ thể dopaminergic nên làm dãn động mạch, đặc biệt là động mạch thận.

o Liều: 3 – 10 µg/kg/phút kích thích thụ thể β1 nên làm tăng co bóp cơ tim.

o Liều: > 10 µg/kg/phút kích thích β1 và α có tác dụng gây co mạch.

- Dobutamine: liều tương tự như Dopamin

- Digitalis: trong những năm gần đây, Digitalis không còn sử dụng cho những bệnh nhân phù phổi cấp trừ khi có rung nhĩ, cuồng nhĩ đáp ứng thất nhanh và suy tim. Trong quá trình điều trị cần chú ý đo ECG và kali máu.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 03/07/2011
 1  2