Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Sinh viên đánh giá giảng viên

I. Đặt vấn đề:

Để có thương hiệu, ở nhiều nước trên thế giới, việc trò đánh giá, nhận xét thầy là điều bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam , thương hiệu của Trường còn là cái gì đó chưa được chăm chút. Không ít ý kiến lo ngại rằng để trò đánh giá thầy cô sẽ làm mất đi sự tôn nghiêm của hình ảnh người thầy, khó cho việc giảng dạy của thầy cô trên lớp.

Cô Nguyễn Thị Hồng Nam , Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT, khẳng định rằng lấy ý kiến sinh viên đánh giá giảng viên là việc nên làm. Theo cô Hồng Nam, ở bậc học phổ thông, có dự giờ chuyên môn nên lãnh đạo trường, tổ chuyên môn, đồng nghiệp có thể nắm bắt được nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo viên và góp ý kiến. Trong khi đó, ở bậc đại học, mỗi lĩnh vực riêng chỉ có một vài người phụ trách giảng dạy lại không có dự giờ. Vì vậy, ý kiến của sinh viên đánh giá giảng viên là một trong những kênh thông tin để giảng viên điều chỉnh nội dung, cách dạy... Cô Hồng Nam nói: “Giảng viên không nên quan niệm sinh viên đánh giá mình giỏi hay dở, mà nên xem đây là kênh thông tin để nắm bắt nhu cầu của người học. Tất nhiên, không phải nhu cầu nào của sinh viên cũng chính đáng, nhưng với những góp ý đúng thì giảng viên phải điều chỉnh”.

II. Giải pháp:

Mặc dù chưa phải là tuyệt đối, nhưng để đạt được sự đồng thuận trên không phải là điều đơn giản bởi đã không ít hơn một lần Trường ĐHCT triển khai cho sinh viên đánh giá giảng viên rồi ngưng lại vì vấp phải sự phản ứng. Ông Nguyễn Khánh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trường ĐHCT, kể: “Năm 2003, Trường ĐHCT thực hiện “sinh viên đánh giá giảng viên”. Các giảng viên phản đối kịch liệt, phản đối ngay từ tên gọi. Thành lập đội cờ đỏ kiểm tra giờ dạy của giảng viên cũng bị phản ứng. Cuối cùng, đành phải ngưng”.

Ngay tên gọi của bảng câu hỏi cũng được thay đổi nhiều lần cho phù hợp- đầu tiên là “đánh giá môn học” sau đổi thành “nhận xét môn học” và khi chuyển sang học chế tín chỉ thì có tên gọi “nhận xét học phần”.

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, năm 2005, khi triển khai, trường mời các đơn vị đào tạo, giảng viên, phổ biến rõ yêu cầu, nội dung, rồi để giảng viên tự đăng ký. Giảng viên nào đăng ký, trường sẽ gởi phiếu để giảng viên phát cho sinh viên nhận xét sau khi kết thúc môn học. Thấy việc để cho giảng viên phát phiếu trực tiếp cho sinh viên có thể khiến sinh viên e dè khi nhận xét, năm 2006, trường đã giao giáo vụ phát và thu phiếu. Sau khi thu, phiếu được gởi về Trung tâm Đảm bảo chất lượng và được máy đọc, phân tích kết quả. Ông Sơn nói: “Kết quả này sẽ được bỏ vào phong bì, dán kín, gởi trực tiếp và duy nhất đến giảng viên được nhận xét”. Theo ông Sơn, mục tiêu của việc lấy ý kiến sinh viên nhận xét giảng viên là giúp giảng viên tự sửa đổi chứ không nhằm gây áp lực với giảng viên. Vì vậy, ngày càng có nhiều giảng viên nhận thức ý nghĩa quan trọng của việc làm này và tự nguyện tham gia.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến phản ứng về phiếu nhận xét học phần. Nhiều giảng viên chưa đồng tình với câu hỏi: “Kiến thức của cán bộ giảng dạy về học phần này ở mức độ nào”. Cô Lê Thị Nguyệt Châu nói: “Khi giảng dạy, giảng viên- dù là giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ- cũng truyền đạt kiến thức vừa với cấp độ tiếp nhận của sinh viên chứ không phải phô bày tất cả những hiểu biết của mình. Do đó, hỏi sinh viên về kiến thức của giảng viên thì khó mà có nhận xét chính xác. Cũng có thể hỏi sinh viên về kiến thức của giảng viên, nhưng nên hỏi theo cấp độ khác”. Cô Nguyễn Thị Hồng Nam cũng cho rằng: “Câu hỏi phải hợp lý và phù hợp với văn hóa của người Việt Nam . Đồng thời, hỏi như thế nào để người được góp ý không bị sốc”.

III. Kết luận:

Theo ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, lấy ý kiến nhận xét của sinh viên về học phần là tiến trình dân chủ hóa trong trường học; đồng thời là cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, đó là việc cần làm và nên làm một cách bình thường, với phương pháp phù hợp. Ông Xê khẳng định: “Việc này không có gì khó. Chỉ vì từ trước đến giờ không làm nên cứ nghĩ là khó”.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 30/10/2010