Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
TOCQUEVILLE VÀ SỰ TRẦM TƯ VỀ NỀN DÂN TRỊ

Ta hãy thử xem qua các phân tích của Tocqueville về 3 phương diện của “con người dân chủ hiện đại”: tinh thần, tình cảm, thói quen và ảnh hưởng của chúng lên việc hình thành các định chế chính trị:

a. Về tinh thần tư duy dân chủ: trước hết, Tocqueville nhấn mạnh đến vai trò lớn lao của công luận. Trong điều kiện của sự bình đẳng, việc “sẵn sàng tin vào đám đông” liên tục tăng lên. Quyền uy của cá nhân riêng lẻ hay của các giai cấp giảm dần tỉ lệ thuận với việc xóa bỏ các khác biệt giữa những người công dân. Khả năng sai lầm của “tòan dân” bị lọai trừ về nguyên tắc. Từ đó, lòng tin vào các tín điều tôn giáo cũng sẽ suy giảm. “Con người dân chủ” không còn dễ dàng thừa nhận một uy quyền nào đứng bên ngòai nhân lọai bình đẳng.

Mặt khác, Tocqueville cũng thấy “công luận” là công cụ nguy hiểm, dễ dàng “lèo lái” tư duy và hành động của con người. Tác động của sự bình đẳng là khá nghịch lý: vừa mang lại nhiều ý tưởng mới, vừa tước đọat chúng. Sự giải phóng ban đầu khỏi cấu trúc phong kiến lại có thể dẫn đến sự đè nén tự do tinh thần do cấu trúc của công luận. Phân tích rất sớm của Tocqueville về “đệ tứ quyền” gây sửng sốt và nhiều tranh cãi. Sự bình đẳng (buộc mọi người phải nổ lực lao động để kiếm ăn) tuy có nâng cao trình độ văn hóa và giáo dục nói chung, nhưng không còn có chỗ cho tài năng lớn và tòan diện.

b. Về mặt xúc cảm trong nền dân trị, theo Tocqueville, tất nhiên mặt chủ đạo là “tình yêu” đối với sự công bằng hầu như là một “bản năng thứ hai”. Xúc cảm ấy phản ánh rõ nhất trong sự săn đuổi tiện nghi của tòan xã hội. “Sống bằng nhau” trước hết có nghĩa là “mưu cầu sự giàu có bằng những phương tiện giống nhau” hơn là “thực thi những quyền chính trị ngang nhau”. Sự bình đẳng tạo cơ hội cho mọi người “mỗi ngày chọn một niềm vui”, khiến họ bám chặt vào đó “như vào một tài sản quý giá nhất”.

c. Sự bình đẳng về lối sống và về cương vị xã hội làm cho tập tục trở nên ôn hòa hơn so với các xã hội bất công và tàn bạo trước đây. Người ta chỉ thực sự có “tình cảm chia sẻ” với những người giống như mình. Chính tính giống nhau (similarité) này là đặc điểm bản chất của xã hội dân chủ, phân biệt hẳn với thời cổ đại và phong kiến. Thời trước, người ta không muốn “làm cho mình giống kẻ khác”, còn thời nay, cá nhân rất thích “đánh mất cá tính của mình đi để được là một với quần chúng phổ biến”.

NXB TRI THỨC, I/2007
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010