TT - Máy tính là sản phẩm tạo bước ngoặt của văn minh nhân loại. Như bất cứ sản phẩm văn minh nào, nó cũng có kẻ thù. Và kẻ phá hoại số một của văn minh công nghệ thông tin chính là những hacker. Loài người đã tìm nhiều phương kế để bảo vệ mình, nhưng những mất mát kinh hoàng bởi hacker vẫn xảy ra. Ở VN cũng đang có một mất mát đáng sợ như thế. Đó là đề án 112, một công trình về công nghệ thông tin qui mô, kỳ vĩ nhất từ trước đến nay.
Sứ mệnh của nó là: xây dựng một chính quyền điện tử từ trung ương đến các huyện. Để hầu hết mọi công việc phục vụ người dân, xây dựng quốc gia sẽ chuẩn xác, nhanh gọn, tự động, hiệu quả và giá rẻ nhất.
Mọi điều kiện đã cung cấp đủ, nhưng tiếc thay đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước ấy đã vỡ. Đau xót hơn cả sự đổ vỡ là sự chấn thương niềm tin và sự mất mát cơ hội. "Vương quốc" tin học 112 sụp đổ không phải vì những hacker thông thường, mà là một thứ siêu hacker "không dùng máy tính". Đó là những cán bộ biến chất, vô trách nhiệm trong các ban điều hành đề án và ở những bộ, ngành, địa phương thụ hưởng đề án.
Hệ thống quản lý tài chính cũng như hệ thống mạng thường có những "bức tường lửa" để bảo vệ. Ở đề án 112 là Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Tiếc thay, những "bức tường lửa tài chính" đã hóa thành gương mặt "Giu- đa", tạo môi trường nuôi dưỡng "virus" hoành hành. Hai bộ trên có trách nhiệm ngăn chặn khả năng thất thoát tiền nhà nước từ khi chuẩn bị đầu tư đến suốt quá trình chi tiêu, hoạt động.
Thế nhưng, ngoài việc ban điều hành 112 của hai bộ này cũng sai phạm "như ai" thì bản thân hai bộ đã hợp thức hóa việc phân bổ vốn, cung cấp tiền cho đề án bằng những văn bản trái qui định của bộ.
Trước đây Bộ Tài chính có thông tư qui định mức chi của đề án "theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành". Nhưng khi ban điều hành 112 Chính phủ có công văn đề nghị nâng mức chi gấp chín lần thì bộ đã đồng ý. Khi ban điều hành 112 Chính phủ mở lớp học quản trị mạng đã đề nghị một mức chi "cắt cổ". Bộ "hơi ngại" và chỉ cho phép thí điểm, sau đó phải báo cáo, đánh giá để quyết định có áp dụng hay không. Ban cứ chi ồ ạt đến khi lớp học kết thúc. Cuối cùng Bộ Tài chính đã đồng ý quyết toán theo mức chi thí điểm đầy bất hợp lý nọ. Theo "thói quen" trên, ban muốn tiêu tiền vượt mức qui định hoặc tiêu những khoản chưa có qui định, thậm chí cả những khoản không có trách nhiệm chi thì cứ làm công văn xin bộ.
Bộ sẵn con dấu nên không gạt đề nghị nào. Bộ KH-ĐT thì phối hợp với ban điều hành "treo thưởng" cho đơn vị nào "giải ngân nhanh sẽ được phân bổ vốn nhiều". Và đến khi kết thúc giai đoạn I của đề án; mục tiêu, dự toán, dự trù kinh phí của giai đoạn tiếp theo chưa hề có, Bộ KH-ĐT vẫn "tự nguyện" thông báo vốn cho ban là sẽ có thêm 150 tỉ nữa và còn "giúp" ban chia vốn cho các đầu mối thật tinh tươm.
Chống hacker, giới chuyên môn cơ bản phải sử dụng phần mềm; nhưng những "hacker không máy tính" và những "bức tường lửa Giu-đa" ở đề án 112 thì có thể chống bằng gì?
TOCQUEVILLE VÀ SỰ TRẦM TƯ VỀ NỀN DÂN TRỊ (02/11/2010) NGÀY CHỦ NHẬT (Sunday, Dimanche) ĐỂ LÀM GÌ? (02/11/2010) ĐIỆP VIÊN HÒAN HẢO: PHẠM XUÂN ẨN (02/11/2010) “VỪA ĐỦ” LÀ ĐỦ RỒI! (02/11/2010) THA THỨ (02/11/2010) Lifestyle (02/11/2010) NGÀY XƯA CÓ MẸ (02/11/2010) Hai Hàng Me Ở Đường Gia Long (02/11/2010) TRỊNH CÔNG SƠN & CÂY ĐÀN LYA CỦA HÒANG TỬ BÉ (02/11/2010)