Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Hiểu đúng về bệnh thận trẻ em

Người ta vẫn nghĩ bệnh thận thường xảy ra ở người lớn, nhưng thật ra tỷ lệ trẻ em hiện nay mắc bệnh thận không phải là ít. Mỗi năm tại bệnh viện Nhi Ðồng 1, TP. HCM có khoảng 1.400 trẻ được điều trị tại bệnh viện và khoảng 10.000 lượt trẻ bị bệnh thận được theo dõi và tái khám...

 

Trẻ em bị bệnh thận gì?

Trẻ em có thể mắc đủ các loại bệnh thận: mắc bệnh thận có từ trong bụng mẹ đến các bệnh thận mắc phải sau khi sinh ra đời.

Có trẻ vừa sinh ra đã có bệnh thận: như các trẻ vừa sinh ra đã có dị dạng đường tiểu hẹp van niệu đạo sau khi vừa sinh ra đã tiểu không thành vòi, tiểu rỉ rỉ…

Có trẻ mắc bệnh thận khi trẻ lớn lên: như sau khi bị nhọt ở ngoài da, hay sau viêm họng trẻ bị phù, tiểu ít, tiểu đỏ: các bác sĩ gọi trẻ bị viêm cầu thận cấp.

Có những bệnh thận chỉ cần uống thuốc thì hết. Có bệnh thận cần phái mổ mới hết.

Có 3 bệnh thận thường gặp ở trẻ em: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, nhiễm trùng đường tiểu.

Làm sao biết trẻ bị bệnh thận?

Trẻ bị bệnh thận thường có các dấu hiệu sau:

- Phù: Sau khi ngủ dậy thấy mắt trẻ hơi sưng, vài ngày sau sưng nhiều hơn và phù ra toàn thể người, sưng phù tay chân và bụng.

Có những trẻ phù rất nhiều: sưng phù toàn thể người.

- Tiểu ít: Ði kèm với sưng phù, thấy trẻ tiểu ít: số lượng nước tiểu giảm đi.

- Tiểu đỏ: Trẻ có thể có nước tiểu màu đỏ hay màu xá xị.

- Nhức đầu: Trẻ có thể bị nhức đầu do trẻ bị tăng huyết áp.

- Tiểu đau, tiểu đục: Trẻ có thể khi đi tiểu rất đau, và nước tiểu đục.

Khi thấy các dấu hiệu trên, cha mẹ các cháu cần làm gì?

Khi thấy cháu có các dấu hiệu khác thường trên như: sưng phù, tiểu ít, tiểu đỏ, nhức đầu, nước tiểu đục… thì phải cho cháu đi khám bệnh ở các phòng khám trẻ em ngay: Vì có những bệnh thận có thể có những biến chứng nguy hiểm trong những ngày đầu của bệnh.

Khi cháu đến khám bác sĩ, bác sĩ sẽ cho cháu thử một số xét nghiệm: thử nước tiểu, thử máu , có thể phải đi siêu âm, chụp phim... Mục đích của các thử nghiệm này là để xem cháu có mắc các bệnh thận không?

Bệnh thận ở trẻ em có những biến chứng gì?

Có một số bệnh thận có thể có biến chứng trong vài ngày đầu của bệnh: do bị tăng huyết áp bé có thể co giật, mê; bé có thể tiểu ít gây ra nguy hiểm cho bé; có bé cần phải được mổ ngay,...

Có những bệnh cần phải được điều trị và theo dõi tái khám: như bệnh hội chứng thận hư cần được uống thuốc và theo dõi tái khám theo định kỳ, có thể tới phải theo dõi và tái khám đến khi lớn.

Nếu không được điều trị và theo dõi tái khám thì trẻ sẽ có hậu quả gì?

Một số bệnh thận ở trẻ em cần được theo dõi tái khám định kỳ:

- Bé bị viêm cầu thận cấp cần được theo dõi một năm.

- Bé bị hội chứng thận hư cần phải theo dõi nhiều năm và đôi khi phải theo dõi và tái khám đến khi lớn.

- Có một số bệnh thận cần phải mổ; sau khi mổ xong, vẫn cần phải theo dõi định kỳ theo lịch tái khám.

Về lâu về dài trẻ bị bệnh như thế nào?

Nói chung, đa số bệnh thận ở trẻ em đều hết hoàn toàn.

Có một số bệnh cần theo dõi, điều trị và tái khám lâu dài: như hội chứng thận hư.

Ts. Bs Vũ Huy Trụ, BỆNH VIỆN NHI ÐỒNG 1
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 24/10/2010