Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Chảy máu âm đạo thai kỳ sớm

Chảy máu âm đạo thai kỳ sớm (Sẩy thai): Lâm sàng, cận lâm sàng, điều trị

I. Lâm sàng – cận lâm sàng:

1. Doạ sẩy thai:

- Ra máu âm đạo là triệu chứng chủ yếu. Ra máu đỏ hoặc máu đen, lượng ít, có thể kéo dài nhiều ngày, máu thường lẫn với dịch nhầy.

- Sản phụ có cảm giác tức, nặng bụng dưới hoặc đau lưng.

- Đặt mỏ vịt luôn luôn cần thiết để phát hiện chảy máu từ buồng tử cung và loại trừ nguyên nhân chảy máu từ các tổn thương ở cổ tử cung, âm đạo.

- Khám âm đạo: cổ tử cung dài, đóng kín, thân tử cung mềm, to tương ứng với tuổi thai.

- Siêu âm: rất cần thiết để đánh giá nguyên nhân chảy máu.

+ Có hiện tượng bóc tách một phần nhỏ của bánh rau hay màng rau, bờ túi ối đều và rõ, có âm vang của phôi, có tim thai hoặc không.

2. Sẩy thai khó tránh:

- Ra máu: máu ra nhiều, đỏ tươi, ra máu ít nhưng lại kéo dài trên 10 ngày.

- Đau bụng: đau vùng hạ vị, đau từng cơn ngày càng tăng.

- Khám âm đạo: cổ tử cung có hiện tượng xoá, có thể hé mở lọt ngón tay, đoạn dưới phình to do bọc thai tụt xuống phía cổ tử cung làm cho cổ tử cung có hình con quay.

3. Đang sẩy thai

- Ra máu âm đạo nhiều, tươi, có máu cục.

- Đau quặn từng cơn vùng hạ vị do tử cung co thắt mạnh để tống thai ra.

- Khám thấy đoạn dưới tử cung phình to do bọc thai đã bong ra khỏi thành tử cung. Cổ tử cung mở, đôi khi có thể thấy khối nhau thai đang nằm lấp ló ở cổ tử cung.

4. Sẩy thai sót rau:

- Thường triệu chứng doạ sẩy trước đó, rồi có một lúc đau bụng nhiều hơn, ra máu nhiều hơn. BN có thể ghi nhận có 1 mảnh mô được tống xuất ra khỏi âm đạo.

- Tuy nhiên, ra máu âm đạo vẫn tiếp diễn và vẫn còn đau bụng âm ỉ.

- Khám thấy cổ tử cung còn hé mở hay đã đóng kín. Thân tử cung còn to hơn bình thường.

- BN có thể có biểu hiện nhiễm trùng.

- Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh sót rau trong buồng tử cung.

5. Sẩy thai băng huyết:

- Ra máu âm đạo nhiều, máu tươi. BN có thể biểu hiện tình trạng choáng mất máu.

- Khám âm đạo thấy nhiều máu tươi lẫn máu cục. Thường có phần thai thập thò ở cổ tử cung hoặc trong âm đạo. Trường hợp BN vào viện muộn, thai đã sẩy thì không còn các triệu chứng này mà chỉ nổi bật các triệu chứng chảy máu.

6. Sẩy thai nhiễm khuẩn:

- Sản phụ ra máu âm đạo kéo dài kèm theo hội chứng nhiễm trùng: sốt, mạch nhanh, vẻ mặt nhiễm trùng, bạch cầu tăng, CRP tăng.

- Khám âm đạo thấy cổ tử cung hé mở, máu âm đạo sẫm màu, hôi. Tử cung mềm, ấn đau.

II. Điều trị:

1. Doạ sẩy thai:

- Nghĩ ngơi tuyệt đối, ăn nhẹ chống táo bón.

- Bổ sung sinh tố, nhất là vitamin E, có thể sử dụng acid folic 300 mg/ngày và vitamin B6.

- Thuốc giảm co.

- Điều trị nội tiết:

+ Progesteron tự nhiên nhằm giảm co bóp tử cung là chính, không nên dùng các progesteron tổng hợp vì có khả năng gây dị tật thai nhi, nhất là trong giai đoạn tạo phôi ở 2 tháng đầu thai kỳ. Một số tác giả chỉ định progesteron đơn độc, một số khác phối hợp với estrogen do tăng hiệu quả dinh dưỡng đối với tử cung. Utrogestan 100 mg, liều lượng tuỳ từng trường hợp, có thể cho tới 400 mg/ngày.

+ Pregnyl: dùng 10.000 UI vào lúc chẩn đoán có thai, sau đó 5000 UI 2 lần 1 tuần cho đến tuần thứ 12.

+ Không nên điều trị nội tiết đối với thai quá 14 tuần.

- Sử dụng kháng sinh khi nghi ngờ có nhiễm khuẩn.

- Tránh giao hợp cho đến 2 tuần sau khi ngưng ra máu.

2. Sắp sẩy và đang sẩy hoặc sẩy thai sót rau:

Nguyên tắc là phải nạo buồng tử cung để lấy hết thai và rau, đề phòng băng huyết và nhiễm khuẩn. Trong khi xử trí phải dựa vào tình trạng toàn thân của bệnh nhân, tuổi thai, sự xoá, mở cổ tử cung để xử trí thích hợp.

3. Sẩy thai băng huyết:

- Tuyến xã: chuyển tuyến trên, nếu có choáng truyền dịch mặn đẳng trương 9%o trong khi chuyển tuyến hoặc chờ tuyến trên xuống xử trí.

- Tuyến huyện: hồi sức tích cực bằng truyền dịch và máu. Khi tình trạng toàn thân cho phép thì nong cổ tử cung, gắp bọc thai ra, hút hay nạo nạo buồng tử cung. Sau nạo tiêm bắp 10 đơn vị oxytocin. Có thể cho oxytocin nhiều lần nếu còn chảy máu. Cũng có thể dùng Misoprostol đường trực tràng để giúp khống chế chảy máu.

4. Mới sẩy thai không băng huyết

- Tuyến xã: cho uống kháng sinh, tư vấn và chuyển tuyến huyện.

- Tuyến huyện: siêu âm buồng tử cung, nếu đã sạch không cần hút hay nạo lại. Nếu còn sót rau nạo lấy hết tổ chức rau.

5. Sẩy thai nhiễm khuẩn:

- Cho kháng sinh, tư vấn, chuyển tuyến.

- Cho kháng sinh liều cao phối hợp và oxytocin.

- Nạo buồng tử cung sau ít nhất 12 – 24 giờ. Khi nạo phải cẩn thận vì dễ bị thủng tử cung và nhiễm khuẩn lan toả.

- Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng (viêm tử cung toàn bộ, nhiễm khuẩn huyết) có thể chỉ định cắt tử cung. Cần tư vấn trước và sau phẫu thuật.

6. Sẩy thai liên tiếp:

Để xác định nguyên nhân phải sử dụng các phương pháp thăm dò và xét nghiệm như định lượng hormone, xét nghiệm giang mai, yếu tố Rh, nhiễm sắc đồ, chụp buồng tử cung…

- Mổ bóc nhân xơ tử cung, mổ cắt vách ngăn tử cung…

- Khâu vòng cổ tử cung cho các trường hợp hở eo tử cung.

- Điều trị những nguyên nhân toàn thân: giang mai, đái tháo đường, viêm thận.

- Điều trị nguyên nhân do rối loạn nội tiết như thiểu năng giáp trạng, với thiếu hụt estrogen, progesteron thì nên điều trị ngay và sớm từ khi mới có thai và liên tục trong 12 tuần đầu của thai kỳ…

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 05/07/2011

Số lượt truy cập
11.009.542
481 người đang xem