Băng huyết sau sanh do đờ tử cung: triệu chứng chẩn đoán, xử trí, dự phòng
Chảy máu sau sinh là một biến chứng trầm trọng, một trong 5 tai biến chính của sản khoa. Ngày nay, nhờ các tiến bộ của hồi sức cấp cứu đã làm giảm sự trầm trọng của biến chứng này. Chảy máu sau sinh vẫn là nguyên nhân gây tử vong chính trong sản khoa, đặc biệt khi có biểu hiện rối loạn đông máu. Biến chứng này thường xảy ra bất ngờ do vậy cần phải có biện pháp dự phòng và điều trị tích cực.
Chảy máu sau sinh là khi lượng máu mất trên 500 ml hoặc choáng do mất máu, xảy ra sau đẻ và thường xảy ra trong 24 giờ đầu. Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ mất lượng máu ít hơn nhưng đã ảnh hưởng đến tổng trạng chung của sản phụ, tuỳ theo thể trạng và bệnh lý trước đó.
I. Triệu chứng và chẩn đoán:
- Chảy máu: chảy máu ngay sau sổ rau là triệu chứng phổ biến nhất. Máu có thể chảy liên tục hoặc khi ấn vào đáy tử cung máu sẽ chảy ồ ạt ra ngoài.
- Tử cung nhão, mềm do co hồi kém hoặc không co hồi, không có khối an toàn mặc dầu rau đã sổ.
II. Xử trí:
Phải xử trí khẩn trương, tiến hành song song cầm máu và hồi sức .
- Dùng mọi biện pháp cơ học để cầm máu: xoa tử cung qua thành bụng, chẹn động mạch chủ bụng, ép tử cung bằng 2 tay.
- Thông tiểu để làm rỗng bàng quang.
- Làm sạch lòng tử cung: lấy hết rau sót, lấy hết máu cục.
- Tiêm 5 – 10 đơn vị Oxytocin tiêm bắp hoặc tiêm vào cơ tử cung, nếu tử cung vẫn không co thì tiêm bắp Ergometrine 0,2 mg (cũng có thể truyền tĩnh mạch để có tác dụng nhanh hơn).
- Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch Oxytocin 5 – 10 đơn vị trong 500 ml dung dịch glucoza 5%.
- Truyền dịch chống choáng.
- Trong 2 giờ đầu, mỗi 15 phút xoa đáy tử cung 1 lần, kéo dài trong 2 phút cho đến khi có cảm giác tử cung co cứng thành khối dưới tay.
- Tuy nhiên nếu sau khi xoa bóp tử cung, tiêm Oxytocin hoặc Ergometrin nhưng máu tiếp tục chảy và mỗi khi ngừng xoa tử cung lại nhão, phải nghĩ đến đờ tử cung không hồi phục, lập tức chỉ định can thiệp phẫu thuật (buộc 2 động mạch tử cung, cắt tử cung bán phần hoặc toàn phần…).
- Tuyến xã: nếu không cầm máu được thì mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển tuyến trên.
- Tuyến huyện: xử trí như trên, nếu không cầm máu được thì mổ cắt tử cung bán phần.
III. Dự phòng:
Trong trường hợp chuyển dạ kéo dài hoặc tử cung bị giãn quá mức do thai to, đa ối, các trường hợp con rạ đẻ nhiều lần nên:
- Theo dõi cuộc đẻ bằng biểu đồ chuyển dạ.
- Tiêm bắp 10 đơn vị Oxytocin khi vai trước sổ hoặc ngay sau sổ thai nhưng phải chắc chắn rằng không có thai thứ 2.
- Xử trí tích cực giai đoạn III bao gồm: tiêm Oxytocin, kéo nhẹ dây rốn có kiểm soát và xoa tử cung.
- Misoprostol 200 mcg x 2 viên đặt trực tràng sau sổ rau.