Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Hội chứng chảy máu 3 tháng cuối thai kỳ

Hội chứng chảy máu 3 tháng cuối thai kỳ: hướng xử trí (rau tiền đạo, rau bong non)

I. Rau tiền đạo:

1. Hướng xử trí khi chưa chuyển dạ:

  • Điều trị duy trì: khi thai chưa trưởng thành và mức độ chảy máu không nhiều.

- Thuốc giảm co tử cung như Spasmaverin, Salbutamol, Magné Sulfate.

- Kháng sinh.

- Viên sắt và các vitamin.

  • Chấm dứt thai kỳ:

- Nếu rau tiền đạo trung tâm thì nên chủ động mổ lấy thai khi thai đủ tháng để tránh chảy máu khi chuyển dạ.

- Nếu chảy máu nặng, hoặc điều trị chảy máu không có kết quả, nên chủ động mổ lấy thai để cầm máu cứu mẹ là chính, không kể tuổi thai.

2. Xử trí rau tiền đạo khi chuyển dạ

a. Rau tiền đạo không trung tâm

- Khi chuyển dạ nên bấm ối để hạn chế chảy máu. Nếu sau bấm ối máu vẫn tiếp tục chảy nên mổ lấy thai.

- Khi có quyết định cho sinh đường âm đạo, cần phải theo dõi sát toàn trạng và các dấu hiệu sinh tồn của sản phụ, số lượng máu mất và tình trạng thai.

- Sau khi thai sổ, chỗ rau bám có thể chảy máu, cần dùng các thuốc co hồi tử cung. Nếu không kết quả phải cắt tử cung bán phần thấp.

b. Nhau tiền đạo trung tâm:

- Chỉ định mổ lấy thai tuyệt đối. Trường hợp chảy máu nhiều không kiểm soát được thì có thể buộc động mạch tử cung hoặc động mạch hạ vị để cầm máu. Nếu không có kết quả thì phải cắt tử cung bán phần thấp để cầm máu.

3. Thời kỳ hậu sản:

- Theo dõi sát để đề phòng chảy máu thứ phát sau sanh và nhiễm khuẩn.

- Trong thời kỳ hậu sản, nếu mẹ thiếu máu nhiều phải truyền máu để bù lại số lượng máu đã mất và uống thêm viên sắt.

- Trẻ sơ sinh cần được chăm sóc đặc biệt vì phần lớn là trẻ non tháng.

II. Rau bong non

1. Xử trí trước đẻ:

a. Thể nhẹ:

- Tuyến cơ sở:

o Sơ cứu: giảm đau, giảm co: Papaverin 40 mg (1 – 4 ống tiêm bắp)

o Chuyển tuyến chuyên khoa có nhân viên y tế đi kèm.

- Tuyến chuyên khoa:

o Giảm đau, an thần, giảm co (Papaverin hoặc Dolosal…).

o Sản khoa: bấm ối sớm, thúc đẩy cuộc đẻ kết thúc nhanh, nếu khó khăn thì chỉ định mổ lấy thai ngay.

o Ngoại khoa: trong mổ cần đánh giá sát tổn thương tại tử cung để có quyết định đúng đắn là bảo tồn tử cung hay phải cắt bán phần tử cung.

b. Thể trung bình:

- Tuyến cơ sở:

o Cấp cứu: giảm đau, giảm co và lập đường truyền tĩnh mạch (dịch truyền tùy điều kiện cơ sở đang có sẵn).

o Chuyển tuyến chuyên khoa có nhân viên y tế đi kèm.

- Tuyến chuyên khoa:

o Chống choáng:

+ Bù khối lượng tuần hoàn (truyền máu và dịch thay thế máu) bù điện giải, cortison (sử dụng Hydrocortison đường truyền tĩnh mạch…)

+ Kháng Histamin tổng hợp và các thuốc phong bế thần kinh giao cảm.

+ Trợ tim.

o Chống rối loạn đông máu:

+ E.A.C (4 – 8 g tiêm tĩnh mạch); Transamin (250mg – 1000mg truyền TM)

+ Fibrinogen (2 – 4g tiêm TM)

o Sản khoa: chỉ lấy thai ra khi cổ tử cung (CTC) đã mở rộng, sau bấm ối ngôi thai tiến triển nhanh, thường đẻ dễ dàng… các trường hợp: CTC mở ít, nguy cơ diễn biến nặng lên phải chỉ định mổ ngay để cứu mẹ và con.

o Ngoại khoa: sau khi mổ lấy thai cần đánh giá tổn thương thực thể tại tử cung để quyết định bảo tồn tử cung hay phải cắt bán phần để cầm máu.

c. Thể nặng:

- Tuyến cơ sở: thực hiện song song 2 việc

o Cấp cứu ngay khi BN vào: thở oxy liên tục và thiết lập ngay đường truyền TM (bằng loại dịch truyền tại cơ sở đang có sẵn) và sử dụng các thuốc hồi sức, thuốc giảm đau, giảm co qua đường truyền tĩnh mạch.

o Mời ngay kíp mổ tuyến chuyên khoa về hồi sức và mổ cấp cứu tại chỗ, tránh vận chuyển BN gây nặng hơn tình trạng sốc.

- Tuyến chuyên khoa:

o Thở oxy liên tục.

o Chống choáng tích cực bằng truyền máu tươi, dung dịch thay thế máu, bù điện giải, corticoid, kháng Histamin tổng hợp, trợ tim, giảm đau… (liều trị như ở thể trung bình).

o Chống rối loạn đông máu: E.A.C, Transamin, Fibrinogen liên tục (tất cả tiêm theo đường tĩnh mạch như điều trị ở thể trung bình)

o Chống vô niệu bằng Lasix tiêm bắp hay tĩnh mạch liều cao.

o Chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh toàn thân phối hợp

o Chỉ định mổ lấy thai nhanh (mặc dù con đã chết) và cắt ngay tử cung bán phần vì thường là tử cung đã tổn thương nặng.

2. Xử trí sau đẻ:

- Tiếp tục điều trị chống sốc cho mẹ và hồi sức sơ sinh (nếu con sống)

- Theo dõi chảy máu sau đẻ, sau mổ đặc biệt khi còn để lại tử cung. Nếu thấy còn ra máu loãng thẫm màu liên tục chứng tỏ điều trị nội khoa chống đông máu không có kết quả hoặc tử cung đã đờ không hồi phục thì phải chỉ định mổ lại cắt TC ngay để cầm máu.

- Tiếp tục theo dõi chức năng gan thận để điều trị kịp thời khi có biến chứng.

- Theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn sau đẻ sau mổ để kịp thời điều chỉnh liều kháng sinh và phối hợp kháng sinh hợp lý.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 05/07/2011