Trước nay chúng ta thường biết đến các dạng ĐTĐ như týp 1 xảy ra khi tuyến tụy ngưng sản xuất insulin, bệnh ĐTĐ týp 2 xảy ra khi tuyến tụy vẫn sản xuất insulin tuy nhiên lượng insulin này không đủ dùng cho cơ thể hoặc khi cơ thể không thể sử dụng insulin. Cũng có thêm một dạng bệnh ĐTĐ nữa là ĐTĐ thai kỳ (gestational diabetes), dạng ĐTĐ này xuất hiện ở một số phụ nữ mang thai, khi đó đường huyết sẽ tăng suốt thai kỳ nhưng sẽ trở lại ở mức bình thường nếu được chăm sóc tốt trước khi sinh. Gần đây, các nhà y học còn khám phá ra một dạng ĐTĐ mới gọi là bệnh ĐTĐ týp 1.5
ĐTĐ týp 1.5 là gì?
Đây là dạng bệnh ĐTĐ tự miễn tiềm ẩn ở người lớn hay còn gọi là LADA (Latent Autoimmune Diabetes in Adults).
Đây là một dạng bệnh ĐTĐ “lai” vì có cả đặc tính của ĐTĐ týp 1 lẫn ĐTĐ týp 2 nên được gọi là ĐTĐ týp 1.5. Bệnh ĐTĐ týp 1.5 lúc khởi đầu chẩn đoán thường bị cho là bệnh ĐTĐ týp 2 vì triệu chứng đặc trưng của ĐTĐ týp 1 không thấy xuất hiện. Nguyên nhân chẩn đoán là týp 2 bởi vì trong ĐTĐ týp 1.5 thì tuyến tụy vẫn sản xuất insulin, cho nên cơ thể không thiếu hụt insulin một cách nghiêm trọng như trong bệnh ĐTĐ týp 1.
Sự khác biệt chính giữa ĐTĐ týp 1.5 và týp 2 là trong ĐTĐ týp 1.5 có một đáp ứng miễn dịch tương tự như trong bệnh ĐTĐ týp 1. Có nghĩa là hệ miễn dịch trong cơ thể chúng ta sẽ xem các tế bào beta ở tuyến tụy là những “phần tử lạ” và sẽ huy động lực lượng đến mà tiêu diệt những tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin này. Cuối cùng là đa số bị tiêu diệt, tuy nhiên quá trình này diễn ra rất chậm chạp chứ không như trong ĐTĐ týp 1 là các tế bào beta bị tiêu diệt một cách nhanh chóng. Sự hiện diện của những protein vốn “ra lệnh” cho hệ miễn dịch tấn công các tế bào beta chỉ có ở ĐTĐ týp 1 và týp 1.5. Còn trong ĐTĐ týp 2 thì không thấy những protein này.
Diễn tiến bệnh ra sao?
Một người bị bệnh ĐTĐ týp 1.5 có thể không biết mình bị bệnh cho dù đôi lúc họ có những triệu chứng đặc trưng của bệnh ĐTĐ týp 2. Điều này đặc biệt nhất ở những người cao tuổi vì những triệu chứng của ĐTĐ týp 2 thường làm cho người bệnh nghĩ rằng đấy là những triệu chứng của tuổi già cho nên họ không đi xét nghiệm hoặc đi khám bác sĩ cho đến khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Đến lúc ấy thì những hậu quả của bệnh ĐTĐ đã trở nên nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 10% số bệnh nhân được chẩn đoán là ĐTĐ týp 2 nhưng thật sự là họ bị ĐTĐ týp 1.5. Có nghĩa là những bệnh nhân này sẽ phải cần insulin để ổn định đường huyết bởi vì hệ miễn dịch sẽ “đóng cửa” nhà máy sản xuất insulin của các tế bào beta.
Nếu bệnh ĐTĐ týp 1.5 được chẩn đoán sớm thì kết quả sẽ khả quan. Có nhiều bằng chứng cho thấy trị liệu insulin ở giai đoạn sớm có thể bảo tồn tế bào beta trong một thời gian lâu hơn. Sự chẩn đoán nhầm lẫn là ĐTĐ týp 2 sẽ khiến bệnh nhân týp 1.5 dùng nhiều dược phẩm đường uống hơn vốn không hiệu quả hoặc không cần thiết. Biết sớm ĐTĐ týp 1.5 sẽ giúp bệnh nhân ổn định đường huyết tốt hơn và hạn chế những rủi ro cho sức khỏe do hậu quả của bệnh ĐTĐ.
Cách duy nhất để kết luận bệnh nhân bị ĐTĐ týp 1.5 hay týp 2 là xét nghiệm máu để tìm ra sự có mặt của kháng thể protein.
Do ĐTĐ týp 1.5 “na ná” với ĐTĐ týp 1 cho nên phương pháp điều trị giống nhau. Đó là liệu pháp insulin. Tốt nhất nên bắt đầu insulin trước khi cơ thể cần đến để bảo tồn chức năng tế bào beta trong một thời gian càng lâu càng tốt.
Hy vọng mới cho bn tiểu đường type 1 (12/08/2013) Adrenal insufficiency (08/08/2013) Sao phải học giỏi nội tiết? Nguyễn Chấn Hùng (18/11/2012) Corticoides (03/07/2011) Đái tháo đường type 2 (03/07/2011) Loãng xương (03/07/2011) Ngộ độc cấp Barbiturate (03/07/2011) Bệnh án mẫu của cô Thy Khuê (05/05/2011) Bướu giáp (12/12/2010) Pheochromocytoma (25/12/2010)