Năm học ứng dụng công nghệ thông tin: Bước đột phá và cơ hội vàng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định chủ đề năm học 2008 – 2009 là “Năm học ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)” . Trình tham luận của TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng cục CNTT Bộ GD-ĐT về những trọng tâm tạo bước đột phá ứng dụng CNTT cho ngành.
>> Hiệu trưởng Đại học FPT: “Khuyến nghị” này chưa phục vụ trực tiếp người dạy, người học
>> Làm theo “đề nghị” của Cục là…"Đi lùi"
Cơ hội vàng
Năm 1998, ngay sau khi Internet được mở ra tại Việt Nam, Trung tâm CNTT khi đó (nay là Cục CNTT) thuộc Bộ GDĐT đã xây dựng đề án Mạng giáo dục EduNet, cũng đã xin dự án ODA (khoảng 100 triệu USD) để nối mạng toàn ngành và phát triển dịch vụ thông tin giáo dục. Song thực tế tính ra nếu làm được thì Việt Nam phải tiêu hết khoảng 450 triệu USD. Báo chí lúc đó cũng bàn tán xôn xao vì họ tưởng… có tiền thật.
Mười năm qua, chúng ta chứng kiến việc kết nối Internet từ công nghệ quay số điện thoại đến ADSL (4/2004). Còn đường thuê riêng (leased line) thì ít cơ quan trường học mơ đến vì quá đắt. Ngay trường đại học chuyên ngành CNTT đến nay cũng chỉ dám thuê đường kết nối 512Kbps. Cơ quan Bộ GD-ĐT thuê kênh 1Mbps, hàng tháng chi khoảng 28 triệu/ tháng và vẫn bị kêu quá chậm.
Bước vào năm học 2008-2009, một “cơ hội vàng” và tạo bước ngoặt lớn trong lịch sử Internet ở Việt Nam nói chung và trong giáo dục nói riêng: Ngày 4/1/2008, Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel đã ký văn bản hợp tác với Cục CNTT về triển khai mạng giáo dục. Theo đó, trước thềm năm học ứng dụng CNTT, Viettel cung cấp dịch vụ kết nối Internet băng thông rộng, kết nối kênh thuê riêng (leased line) qua đường cáp quang… với giá ưu đãi đặc biệt cho ngành giáo dục.
Hiện nay, tại Bộ đã kết nối đường cáp quang 34Mbps trong nước và 2Mbps đi quốc tế với giá 30 triệu đồng/tháng, xấp xỉ với giá 1Mbps trước đây. Viettel cung cấp gói Net+ (gói chất lượng cao nhất) với giá 175.000đ/tháng tới các cơ sở giáo dục (thay vì 700.000đ/tháng). Kết nối cáp quang từ Bộ về các Sở, với băng thông 4Mbps chỉ với giá 1,22 triệu/tháng.
Ba bên (Cục CNTT, Sở và Viettel) sẽ phối hợp lên danh sách các cơ sở giáo dục khó khăn để có chính sách hỗ trợ kết nối. Các cơ sở giáo dục hưởng lợi từ dịch vụ ưu đãi này sẽ bao gồm cả các trường mầm non, mẫu giáo (các Sở cung cấp máy tính), các trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề, các phòng giáo dục.
Đối với các trường vùng sâu, vùng xa, không thể kéo cáp Internet và nếu có điện, chúng ta cần lên phương án kết nối khác, có thể là qua vệ tinh. Song đáng tiếc là Vinasat chưa sẵn sàng và giá thành còn cao. Viettel cam kết hỗ trợ cung cấp miễn phí qua sóng điện thoại di động. Chúng ta cần thời gian thử nghiệm vì địa hình các vùng là rất khó khăn.
Triễn khai hệ thống E-mail miễn phí theo tên miền của cơ sở
Trong năm qua, Cục CNTT đã xây dựng và cung cấp một hệ thống e-mail @moet.edu.vn đến tất cả các Sở để giao dịch văn bản điện tử. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Sở hằng ngày khai thác hệ thống e-mail này và đôn đốc các phòng/ ban sử dụng để nhận thông tin văn bản từ Bộ một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nhờ công nghệ của một số hãng như Google, chúng ta đã có thể tạo e-mail, theo tên miền của mỗi cơ sở giáo dục/đào tạo, hoàn toàn miễn phí, cho mỗi giáo viên và học sinh.
Giả sử với 20 triệu giáo viên, học sinh, nếu chúng ta tự tạo ra hệ thống này, tính cũng mất 20 triệu x 25 USD = 500 triệu USD.
Năm học qua, Cục CNTT đã hướng dẫn và hỗ trợ các trường ĐH/CĐ, các Sở, các trường phổ thông tạo hệ thống email theo cách này. Bước vào năm học mới này, mục tiêu đặt ra là đến 31/10/2008, tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo hoàn thành xong công việc này.
Nhờ hệ thống e-mail ấy, sẽ tiết kiệm kinh phí và bảo dưỡng miễn phí, tự quản trị tạo account, không mất công bảo dưỡng server, không mất công chống virus, spam. Hệ thống ấy cũng mang lại sự tiện lợi về quản lý, điều hành, nhờ gửi văn bản điện tử, phổ biến thông tin, tuyên truyền nhanh chóng. Về tinh thần, mỗi giáo viên, học sinh có thể tự hào dùng e-mail với tên miền của trường, của Sở.
Khai thác tốt hệ thống thông tin trên Website của Bộ
Hệ thống website của Bộ, gồm www.moet.gov.vn , http://www.edu.net.vn/ , đã có nhiều chuyên trang hữu ích cho toàn ngành: trang Tuyển sinh (ts.moet.gov.vn, thi.moet.gov.vn), trang văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành (vanban.moet.gov.vn), trang thống kê giáo dục; công nghệ e-Learning, thư viện giáo trình điện tử,… và Diễn đàn Mạng Giáo dục.
Trong đó, có thể nói cổng thông tin thi và tuyển sinh trên website Bộ GD-ĐT ( ts.moet.gov.vn ) là một địa chỉ web rất hữu ích cho gần một triệu học sinh lớp 12 mỗi năm. Bước vào năm học mới, Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH/CĐ/Trung cấp chuyên nghiệp tự cập nhật thông tin thi tuyển sinh của mỗi trường trực tiếp lên website này, không để học sinh phải chờ khâu in ấn tài liệu.
Tạo bước ngoặt về bài giảng điện tử E-Learning
Cho đến nay, vẫn còn có sự nhầm lẫn khái niệm về giáo án điện tử với bài trình chiếu (thường sử dụng PowerPoint) với bài giảng điện tử, giữa thiết bị dạy học với phần mềm.
Trong năm học ứng dụng CNTT, cần tạo ra bước ngoặt mới về việc làm bài giảng điện tử theo công nghệ e-Learning. Nói đến e-Learning, chúng ta có thể tóm tắt trong mấy ý tưởng chính: Chuẩn quốc tế, cộng tác làm việc, hợp lực và chia sẻ tài nguyên dùng chung. Cho nhiều thì cũng nhận được nhiều.
Tại sao lại phải là công nghệ e-Learning? Đó là vì e-Learning có chuẩn công nghệ SCORM được thế giới công nhận, nên có thể chia sẻ bài giảng giữa các nước với nhau, có nhiều công cụ xây dựng bài giảng hợp chuẩn, đáp ứng nhu cầu học tập mọi nơi, mọi lúc, đáp ứng nhu cầu học tập một cách mềm dẻo, có thể học trực tuyến qua Internet, cũng có thể học ngoại tuyến qua đĩa CD. Đổi lại, chúng ta cũng có thể tận dụng các nguồn bài giảng của các nước khác.
Trong những năm qua, Cục CNTT đã xây dựng website e-Learning (http:// el.edu.net.vn) để tuyên truyền phổ cập công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm và tuyển chọn các phần mềm e-Learning thích hợp, và đã Việt hóa phần mềm mã nguồn mở Moodle (đến nay đã có khoảng 70 trường ĐH/CĐ sử dụng).
Cục CNTT sẽ tổ chức chuyển giao các phần mềm công cụ tạo bài giảng đạt chuẩn quốc tế, phù hợp với nhu cầu Việt Nam cho các Sở.
Bộ GD-ĐT (Cục CNTT chủ trì) sẽ tổ chức cuộc thi giáo viên làm bài giảng điện tử theo công nghệ e-Learning, và giáo viên dạy giỏi ứng dụng CNTT. Nếu mỗi giáo viên góp mỗi năm một bài giảng, chúng ta sẽ có một triệu bài giảng trong một năm. Và nếu bài giảng đó soạn thêm bằng tiếng Anh, chúng ta có thể chia sẻ với bạn bè giáo viên ở các nước khác vì theo chung một chuẩn quốc tế về công nghệ làm bài giảng e-Learning.
Cục CNTT cũng sẽ tổ chức tuyển chọn các phần mềm dạy học khác để phổ biến trên tinh thần tiết kiệm, hợp chuẩn quốc tế, dễ sử dụng và khai thác.
Số liệu các trường khó khăn không thể kết nối Internet, không có cả điện lưới
Làm gì trong năm học ứng dụng CNTT?
Đẩy mạnh một cách hợp lý việc triển khai ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học. Ở những nơi có điều kiện thiết bị tin học, từng bước đổi mới phương pháp dạy học thông qua việc thực hiện bài giảng điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử cho học tập từng môn, ứng dụng các phần mềm mô phỏng thí nghiệm, xây dựng thư viện bài giảng điện tử, hướng tới triển khai công nghệ học điện tử (e-Learning); tăng cường giao lưu trao đổi bài soạn qua mạng; phát huy tính tích cực tự học, tự tìm tòi thông tin qua mạng Internet. Tổ chức “sân chơi” trí tuệ trực tuyến của một số môn học.
Tích cực chuyển sang khai thác, sử dụng và dạy học bằng phần mềm mã nguồn mở. Xây dựng chương trình giảng dạy CNTT theo các mô-đun kiến thức để đáp ứng nhu cầu học tập một cách mềm dẻo.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác điều hành và quản lý giáo dục.
Triển khai thực hiện Chương trình Cải cách Hành chính và Chính phủ điện tử. Tuyển chọn, cung cấp miễn phí các phần mềm quản lý học tập của học sinh, quản lý giáo viên, hỗ trợ sắp xếp thời khóa biểu, quản lý thư viện trường học và hướng dẫn mua hoặc cung cấp phần mềm ứng dụng. Thống nhất quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo, trong triển khai các cấu phần CNTT trong các dự án ODA. Thẩm định các sản phẩm CNTT cho quản lý giáo dục đào tạo trước khi triển khai toàn quốc.
Tích cực áp dụng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, họp... qua video, qua web và qua thoại để tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và kinh phí. Trước hết, tích cực áp dụng trong công tác tuyển sinh, trong việc đào tạo và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, thanh tra viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Tổ chức tập huấn và hội thảo về ứng dụng CNTT trong giáo dục và giảng dạy. Triển khai công tác thi đua về ứng dụng CNTT.
Hình thành hệ thống đơn vị chuyên trách về CNTT trong ngành giáo dục và đào tạo, bao gồm: Cục CNTT thuộc Bộ, Phòng hoặc Tổ CNTT thuộc các Sở, Phòng hoặc Trung tâm CNTT thuộc các trường trung cấp chuyên nghiệp. Mỗi trường phổ thông có một cán bộ, viên chức phụ trách ứng dụng CNTT có trình độ từ trung cấp trở lên, có giáo viên nòng cốt về việc ứng dụng CNTT trong dạy học.
Phát triển mạng giáo dục EduNet và các dịch vụ, nội dung thông tin về giáo dục và đào tạo ứng dụng trên Internet. Trước 31/10/2008, hoàn thành cơ bản việc triển khai kết nối Internet băng thông rộng tới tất cả các trường học có điện lưới, hoàn thành kết nối qua cáp quang tới tất cả các Sở với Bộ, và hoàn thành việc thiết lập hệ thống e-mail miễn phí theo tên miền riêng của cơ sở giáo dục và đào tạo để cung cấp cho mọi giáo viên và học sinh. Các cơ sở giáo dục và đào tạo tích cực sử dụng e-mail để giao dịch văn bản. Phổ biến sử dụng thông tin giáo dục trên website Bộ www.moet. gov.vn, và www.edu.net.vn.
Khi người làm được thì không được làm (31/10/2010) Tia cực tím (ultraviolet) (31/10/2010) Blog giải cứu con tin (30/10/2010) Sinh viên đánh giá giảng viên (30/10/2010) Bàn về tiêu chí đề bạt chức danh GS (30/10/2010) Người Mỹ dạy bài học ”Cô bé Lọ Lem” như thế đấy! (30/10/2010) Hữu khuynh-tả khuynh là gì? (30/10/2010) Teaching by being (dạy bằng cách làm gương) (30/10/2010) Thầy trường Hồ Thị Kỷ (Cà mau) đánh 20 nữ sinh lớp 9 (29/10/2010) Phó GS. TS...để làm gì? (29/10/2010)