TT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo được niềm tin ở đông đảo cử tri với những tuyên bố và hành động mạnh mẽ. Vậy cử tri trông đợi gì ở nhiệm kỳ mới của Thủ tướng và Chính phủ? TS Võ Tuấn Nhân, phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, nói:
- Theo ý kiến của cử tri, trong thời gian qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ đã bắt nhịp rất nhanh, điều hành tốt các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Bốn vấn đề của Thủ tướng và Chính phủ mới mà theo tôi cũng là bốn vấn đề cử tri rất quan tâm, là tăng trưởng kinh tế, cải cách hành chính, chống tham nhũng và giảm đói nghèo.
* Vậy theo ông, trong cải cách hành chính, Chính phủ mà cụ thể là Thủ tướng cần đi vào khâu đột phá nào?
- Chúng tôi cũng thấy gọi là tinh gọn bộ máy nhưng thực tế nhiều nơi vẫn cứ phình lên. Trong mấy ngày tới, Quốc hội sẽ sắp xếp lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn. Theo tôi, Chính phủ nên tận dụng cơ hội này để làm quyết liệt từ trên xuống dưới. Dứt khoát không cho phình thêm, từ đó tiến tới có những hành động thật sự tinh giản. Phải tinh rồi mới gọn. Tinh là giữ lại được người giỏi. Có người giỏi điều hành thì bộ máy sẽ dần gọn.
Chúng ta hay nói đến tinh giản biên chế nhưng trong chương trình chưa thật sự đề cao việc thu hút người giỏi mà thường sắp xếp dàn đều, ai vị trí nào cho sang ngang một vị trí tương đương chức vụ ấy, như thế khó thu hút nhân tài, lại khó giảm biên chế. Nếu những người giỏi không làm trong khu vực nhà nước nữa sẽ là một nguy cơ rất lớn; năng lực bộ máy nhà nước sẽ ngày càng yếu đi so với bên ngoài. Tinh giản biên chế phải gắn liền với chế độ tiền lương. Cử tri chưa bao giờ kêu công chức lương cao cả, họ chỉ kêu công chức lười, nhũng nhiễu thôi.
* Việc càng tinh gọn càng phình to đòi hỏi Thủ tướng phải nghiêm khắc và chặt chẽ hơn, trước tiên với những yêu cầu tăng thêm vụ, cục, phòng, ban, bộ?
- Đúng. Thủ tướng cần phải sâu sát hơn với vấn đề về bộ máy bởi bộ máy liên quan đến tất cả những mục tiêu phát triển và những vấn đề bức xúc hiện nay. Nếu để nhiều sở ngành địa phương phình ra, rồi các bộ cũng tăng thêm chức năng thì có sắp xếp bộ máy tốt mấy, hiệu quả cũng không lâu dài. Không kiểm soát được khâu mọc thêm ra thì bộ máy không thể tinh được, chưa nói đến gọn. Việc chỉ đạo tinh giản biên chế không nên dừng lại ở các chỉ thị, nghị quyết chung chung mà nên được luật hóa. Nghị định 144 của Chính phủ về áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000-2000 trong cải cách hành chính là tốt nhưng phải cố gắng làm quyết liệt, nếu không rất có thể nó sẽ trở thành một chủ trương mang tính hình thức.
* Muốn phát triển nhanh, bền vững thì qui hoạch phải tốt. Nhưng ngay cả qui hoạch như ông vừa nói cũng còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Qui hoạch của chúng ta có nên làm nhanh rồi chỉnh sửa nhiều như hiện nay không?
- Từ trước đến nay có nhiều qui hoạch do địa phương yêu cầu, Thủ tướng chiều theo . Ta thường nói qui hoạch phải có cơ sở khoa học và thực tiễn nhưng thực tế qui hoạch ở nhiều nơi vẫn mang ý kiến chủ quan của một số lãnh đạo địa phương. Vì vậy, theo tôi, tại đầu nhiệm kỳ lần này, Thủ tướng cần rà soát lại, tránh những qui hoạch có đề xuất mang tính cục bộ địa phương. Phải coi trọng, chỉ đạo sát qui hoạch để khi đã qui hoạch rồi thì kiên định với qui hoạch đó, tránh điều chỉnh rất tốn kém. Chẳng đặng đừng phải điều chỉnh thì cũng phải gắn rất chặt với đánh giá thực tiễn chứ không nên vì một vài ý kiến, vì liên quan đến lợi ích của một nhóm người, hoặc một lợi ích nào đó mà chỉnh qui hoạch. Điều này cực kỳ nguy hiểm, nó có thể ảnh hưởng đến tốc độ, chất lượng phát triển của cả một vùng sau này, trực tiếp hơn là tiền từ ngân sách phải trả cho sự điều chỉnh ấy.
Cần gắn trách nhiệm cá nhân của những người phê duyệt qui hoạch khi qui hoạch đó bị “đổ”. Bởi điều chỉnh là cách nói nhẹ, nói đúng là sửa. Qui hoạch có thiếu sót, chưa lường hết được thực tế, nghĩa là làm chưa thật tốt mới phải sửa. Với trách nhiệm của mình thì Thủ tướng cũng cần phải định hướng để làm sao qui hoạch tốt, đầu tư của Nhà nước không dàn trải, có trọng điểm, tránh qui hoạch “treo”.
Chính phủ Mỹ thoát hiểm (10/04/2011) Trông người mà nghĩ đến ta (03/04/2011) 5 khái niệm thay thế 6 đặc trưng (26/02/2011) Vì sao Mỹ Tho đi trước Saigon? (30/01/2011) Văn minh Tây Á hay Đông Á có trước? (11/01/2011) Đất Thần Kinh là vùng nào (11/01/2011) Bài học phục vụ dân của Putin (08/08/2013) Cần Thơ, cái tên có từ đâu? (22/12/2010) VÕ LÂM NGŨ BÁ-DỤ NGÔN VỀ CHÍNH TRỊ (02/11/2010) Người châu Á có thể suy nghĩ? (02/11/2010)