Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Nhân tài trẻ: Đoàn ở đâu, làm gì?

Tại sao hiện nay chúng ta chưa có những doanh nhân, nhà khoa học, lãnh đạo trẻ tầm cỡ như nhiều nước khác?

Đó không chỉ là câu hỏi trước hết với chính mình mà thật sự đã là trăn trở, bức xúc của nhiều trí thức trẻ hiện nay trước Đại hội Đoàn toàn quốc lần này, khi chính lực lượng trí thức trẻ muốn góp phần đưa đất nước vươn ra biển lớn.

Lãng phí tài năng: cái vòng luẩn quẩn!

Trong các diễn đàn của TN hiện nay, vấn đề về đào tạo, hỗ trợ tài năng trẻ, lãnh đạo trẻ luôn là một vấn đề thời sự và được nhiều giới quan tâm. TN sôi sục bầu nhiệt huyết muốn cống hiến, đóng góp cho đất nước. Chính sách của Đảng và Nhà nước cũng mong muốn phát hiện và đào tạo kịp thời nguồn tài năng cho nước nhà. nhưng nhiều khi hai "khao khát" này lại chưa gặp được nhau.

Mới đây, khi tham dự diễn đàn "Các nhà khoa học trẻ VN 2007", Th.S Đặng Tất Dũng - bí thư chi đoàn giảng viên ĐH Luật TP.HCM - khá bức xúc: "Chúng ta đang để lãng phí trầm trọng nguồn tài năng trẻ, nhất là khi chúng ta đã phát hiện kịp thời nhưng không tạo một môi trường thuận lợi để những "hạt giống" này nảy mầm thành cây cứng cáp".

Anh Dũng lấy ví dụ: có những em nhỏ ở Cần Thơ, Long An mới 5, 6 tuổi đã biết đọc biết viết trôi chảy lại có thể đọc bằng tiếng Anh, nhưng chỉ một thời gian sau báo chí phát hiện một số em như thế đã phải bỏ học vì gia đình quá khó khăn. "Rõ ràng để xảy ra tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đánh giá đúng việc phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ một cách cầu thị và nghiêm túc" - anh Dũng nhận định.

Anh Dũng lấy một dẫn chứng khác là hằng năm những cuộc thi SV nghiên cứu khoa học, trường nào cũng làm rầm rộ nhưng thực chất có bao nhiêu đề tài được tạo điều kiện ứng dụng? Mặt khác, hơn 70% SV ra trường hiện nay làm trái ngành nghề, vậy chi phí đào tạo cho lượng SV này bị bỏ phí quá nhiều.

Các đại biểu diễn đàn khi tham dự cũng cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề ở chỗ: chúng ta thiếu những người tài trong việc hoạch định chính sách phát triển tài năng trẻ, cho nên việc phát triển thế hệ trẻ tương lai sẽ trở thành cái vòng luẩn quẩn nếu không có sự bứt phá.

Anh Nguyễn Văn Sơn, đại diện của CLB Thủ khoa Hà Nội, nhấn mạnh đến sự lãng phí nhân tài trẻ khi không có chính sách thật sự mời gọi những SV được đào tạo chính qui về phục vụ ở cấp xã - phường, quận - huyện.

Anh Sơn phân tích: "Ở nhiều địa phương, những người trẻ có năng lực tốt thường là đang học ĐH - CĐ, nhưng khi ra trường lại cố gắng tìm công việc ở thành phố chứ không về quê. Do đó sẽ phải tuyển chọn cán bộ cơ sở từ những nhân tố hiện có, nhiều người trong số đó hạn chế về tầm nhìn và trình độ thì không thể có những biện pháp thúc đẩy sự phát triển địa phương tốt nhất, mà điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển chọn cán bộ trẻ kế cận lớp sau. Nguồn nhân lực dễ tuyển chọn nhất lại từ nguồn cán bộ Đoàn có trình độ và thật sự tâm huyết".

Xây dựng "chiến lược nhân tài" và phản biện chính sách về TN

TS Nguyễn Mạnh Cường (Liên hiệp Các hội KH-KT) cho rằng đất nước đang cần phát huy tất cả những nguồn lực để phát triển và đưa con thuyền VN vươn ra biển lớn thì nhân tố đầu tiên là con người. Nhân tố này chỉ được phát huy đúng mức và hiệu quả khi chúng ta có những cơ chế và chiến lược thật cụ thể chứ không thể nói chung chung. Đối với những tài năng trẻ, các chính sách cần thay đổi phải có chiều sâu, đặc biệt phải coi trọng vai trò của Đoàn trong việc phát hiện nhân tài trẻ với những đề xuất kiến nghị để trọng dụng nhân tài.

Theo th.S Đặng Tất Dũng, Đoàn với tư cách là tổ chức TN và định hướng cho TN, nên quan trọng nhất là phải lắng nghe giới trẻ và chuyển tải thông điệp ấy đến Đảng và Nhà nước để có được chính sách phù hợp trong việc trọng dụng nhân tài trẻ. Đoàn phải dân chủ khi lắng nghe những ý kiến "trái tai" trong những hạn chế của mình, và xây dựng một cơ chế phản biện chính sách về nhân tài trẻ cho TN để đề xuất kịp thời thay đổi chính sách.

Một điều khác nữa mà Đoàn cũng cần làm ngay là xây dựng cho được các nguồn quĩ hỗ trợ những nhà khoa học trẻ, những lãnh đạo trẻ để họ có cơ hội thử sức mình, cống hiến cho đất nước. "Muốn làm được những điều trên, mỗi lãnh đạo Đoàn, dù là cấp cơ sở, cũng cần phải là người tài được sự tín nhiệm của quần chúng và TN đưa các hoạt động mang tính thực chất vào việc ươm mầm nhân tài trẻ theo hệ thống cho đất nước" - Th.S Đặng Tất Dũng kết luận.

TRẦN ĐÌNH TÚ
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010