Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống (do Tuổi Trẻ và Pantene tổ chức)

Nỗi ân hận không muộn màng

TT - Mùa mưa năm 1978, đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) của tôi đóng quân ở rừng U Minh. Từ sớm tinh mơ là chúng tôi đã có mặt trên những cánh đồng nước mênh mông để cấy mạ cho đến chiều. Vùng đất đầy muỗi mòng này ban đêm trời rất lạnh, gió thổi vi vút từ cánh rừng tràm lướt qua doanh trại được lợp bằng những tấm tăng lớn.

Vách trại được che bằng những ống sậy đập dẹp ra và đan lại với nhau thành những tấm phên. Giường ngủ chúng tôi cũng được lót bằng những tấm đệm sậy đặt trên những cây chỉ gồ ghề, tương đối êm ái để ngả lưng sau một ngày lao động mệt nhoài. Đêm ngủ, chúng tôi quấn chặt mình trong tấm mền chỉ mỏng - tiêu chuẩn được cấp phát cho mỗi TNXP - nhưng vẫn không đủ ấm bởi gió thốc lùa từ trên đầu xuống dưới lưng lạnh buốt, lòng cầu mong sao đêm dài thêm để khỏi dậy sớm vì trời quá lạnh và vì còn rất thèm ngủ.

Một buổi tối, sau khi đi kiểm tra một vòng doanh trại, tôi - đại đội phó đời sống của đơn vị - phát hiện đội viên Long làm mất mền. Tôi đã phê bình Long không cẩn trọng để làm mất tài sản của đơn vị. Tôi không giải quyết cấp mền mới (đúng nguyên tắc mà) vì tiêu chuẩn của mỗi TNXP chỉ được cấp một lần các đồ dùng cá nhân trong hai năm, và chúng tôi chưa đủ thời gian tham gia để được trang bị mới. Nửa tháng sau, trong một lần đi hậu cần để mua thực phẩm cho đơn vị, tôi ghé qua nhà tìm Long vì em bỏ trốn đơn vị đã ba ngày rồi mà không thấy trở lên.

Nhà Long ở gần cuối một con hẻm ngoằn ngoèo thuộc xóm Vạn Chài của khu Tân Định. Tôi ngỡ ngàng đối diện với căn nhà ngang 2m, dài khoảng 4m, được dựng chắp vá bên hông nhà người ta.

Trong nhà không có gì ngoài bộ ván ọp ẹp và một chiếc tủ gỗ nhỏ, một bếp dầu kê ở góc nhà, hai nồi nhôm móp méo treo trên vách gần đó, một thau nhỏ để dưới đất có lẽ để hứng nước mưa dột từ mái nhà lỗ chỗ đầy những vệt nắng rọi. Long không có ba, mẹ Long vì bạo bệnh đã mất cách nay hai tháng.

Long còn một người chị rất ốm yếu và mắc căn bệnh nhức đầu kinh niên nên tuy có đi làm song cũng không đủ tiền để mua thuốc. Long kéo ghế đẩu nhỏ duy nhất trong nhà ra mời tôi ngồi, chị Long đang nằm trên bộ ván, chị nghỉ làm mấy bữa vì bị sốt và nhức đầu trở lại. Long kể sơ chuyện gia đình, em nói về nhà vì lo cho chị và hứa sẽ trở lên đơn vị ngay hôm sau.

Tôi ra về, lòng trĩu nặng. Tôi không thể ngờ chung quanh mình lại có những hoàn cảnh khốn khó như gia đình Long. Trở lên đơn vị, tình cờ tôi nghe Thuận - đội viên cùng tổ với Long - nói rằng cái mền của Long đã được chôn theo cùng với mẹ Long, vì nhà Long nghèo lắm, không có gì để quấn cho mẹ cả.

Tôi nghe mà nghẹn đắng cổ họng, lòng đau đớn, tràn đầy nỗi ân hận. Vì tôi là cán bộ đội mà quá lạnh lùng, quá quan liêu không chịu tìm hiểu kỹ sự việc, quyết định một cách máy móc trước nỗi đau của đồng đội mình.

Gia đình tôi cũng thuộc tầng lớp lao động nhưng nhà tôi ở mặt tiền đường, ba tôi làm việc tiện tặn cũng đủ nuôi sáu đứa con ăn học. Cũng vì tôi từ nhỏ chỉ biết có ăn với học, đâu hiểu thấu đáo hết mọi ngõ ngách cuộc đời.

Lẽ ra tôi phải ân cần hỏi chuyện với Long rồi đề nghị ban chỉ huy đại đội linh động cấp mền mới cho Long. Tôi thật sự quá thất vọng về mình, một sự chia sẻ dù nhỏ vào những lúc như thế này có phải là cần thiết và ấm áp biết bao. Còn Long, vì sao em lại im lặng chấp nhận mà không một lời kể lể về hoàn cảnh của mình? Hay là nỗi cô đơn, bất hạnh đang đổ ập xuống em còn lạnh hơn cái lạnh của đêm rừng U Minh?

Từ đó, tôi đã trưởng thành lên rất nhiều trong đời TNXP, tìm hiểu đời sống của anh em nhiều hơn. Tôi đã không còn thầm trách cha mẹ như trước đây, khi vì con đông, cha mẹ tôi hầu như chỉ lo sinh kế chứ không để ý gì đến chuyện cá nhân của các con. Những nỗi buồn vặt vãnh của tôi làm sao so sánh được với bao hoàn cảnh khó khăn của những người bạn trong đại đội?

Những hoàn cảnh ấy tôi chỉ nghe kể thôi đã xúc động, chứ đơn vị đóng quân xa quá, chúng tôi đâu có biết nhà của nhau. Mãi sau này tôi mới được biết hết hoàn cảnh các anh em, và thầm cảm ơn Long đã gợi lên trong tôi một nỗi ân hận không muộn màng để hiểu cuộc sống hơn.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 03/11/2010