Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Thông điệp trái tim

Tứ đại giả hợp, năm uẩn vốn không

I. Năm uẩn là gì? Năm uẩn là năm hợp thể ( Skandhas ) hình thành nên con người; bao gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức.

1. Sắc uẩn là những cấu trúc thuộc về vật chất hay vật lý, một trong những yếu tố hình thành nên con người và thế giới sự vật hiện tượng. Ðối với con người, sắc uẩn chính là thân thể (tứ đại) bằng xương bằng thịt này. Các yếu tố như: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, cốt, tủy, tim , gan, phổi, thận, bao tử, hoành cách mô v.v... cho đến các tạp chất nuôi dưỡng cơ thể... hay các nguồn năng lượng tiềm ẩn (vô biểu sắc) trong cơ thể... đều được gọi là sắc uẩn.

2. Thọ uẩn là cảm thọ hay cảm giác của con người bao gồm ba loại: cảm thọ khổ đau, cảm thọ an lạc, và cảm thọ không khổ không lạc.

3. Tưởng uẩn là các ấn tượng của tri giác, hay là các hình ảnh, khái niệm, ngôn từ trong tâm thức.

4. Hành uẩn là sự tạo tác của tâm thức như tư duy, khát vọng, chấp thủ v.v...

5. Thức uẩn là sự tri giác phân biệt hay nhận thức, nó thuộc về chức năng hoạt động của ý thức. Tỉ dụ như khi chúng ta nhìn, nghĩa là con mắt nhìn, nhưng sự thấy biết là do chức năng của nhãn thức chứ không phải là do con mắt. Nếu con mắt tự thấy mà không cần đến thức của nó thì khi móc con mắt ra ngoài, ta có thấy hay không? Tương tự như vậy đối với các uẩn còn lại.

Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của “năm uẩn là Không”.

Trước hết, về Sắc uẩn - tức thân thể con người (nội sắc) và các đối tượng tương duyên của nó (ngoại sắc) đều là Không. Vì sao nói Sắc uẩn là Không?

Ở đây, các anh chị em thử lấy con người làm đối tượng quán sát. Chúng ta sẽ thấy rằng, nếu nhìn từ một toàn thể (universal), thì con người bao gồm hai yếu tố: vật lý (thuộc về sắc) và tâm lý (thuộc về thọ, tưởng, hành và thức). Như thế, một con người bao giờ cũng phải đầy đủ hai yếu tố cơ bản, vật lý (thể xác) và tâm lý (tinh thần hay cụ thể là: thọ, tưởng, hành, và thức); điều đó có nghĩa là con người là một hợp thể của năm uẩn. Và con người (năm uẩn) đó chỉ tồn tại theo một chu kỳ nhất định (có thể là trăm năm) và được giới hạn bởi hai đầu sinh và tử; vì có sinh nên có tử. Từ đó cho thấy rằng, con người trong kết cấu của năm uẩn vốn không có một ngã thể (self) trường tồn bất diệt, vì vậy “năm uẩn là Không” hay không có một tự tính nào trong thân năm uẩn.

Ngược lại, nếu nhìn con người qua phân tích của mỗi đặc thù (particular), thì cái mà gọi là con người sẽ không còn nữa. Bởi lẽ, từ thể chất nguyên thủy, mỗi thai nhi tựu thành đều do sự kết hợp của cha, mẹ và kiết sanh thức ( gandhabba ) hay ý niệm tối sơ, cũng còn gọi là “tập khí nghiệp thức” từ nhiều kiếp sống trong quá khứ. Và thực thể của những “khí chất đầu tiên” đó cũng chỉ là sự tương duyên, nó không hề có một ngã tính. Hơn thế nữa, dưới lăng kính của đơn vị đặc thù (particular), cái chân không thể gọi là con người, cái tay không thể gọi là con người, cái ý thức cũng không thể gọi là con người; trái lại, con người chỉ có thể hiện hữu khi nó hòa phối đầy đủ các yếu tố của tâm lý và vật lý. Vả lại, bản thân của cơ thể vật lý như: tay , chân, cơ bắp v.v... cho đến ý thức nó luôn luôn biến đổi, sinh diệt không ngừng trong từng khoảnh khắc, như sự sinh diệt của mỗi tế bào nhỏ nhiệm trên làn da hay trong dòng máu. Ðiều đó cho thấy rằng năm uẩn hoàn toàn không có tự tính hay ngã tính nào, bởi vì nó sinh diệt liên hồi. Năm uẩn là tiến trình hiện hữu (process of becoming) chứ không phải là thực thể (entity) hiện hữu. Do đó chúng được gọi là Không.

II. Tứ Đại là bốn chất lớn hợp thành, bốn chất ấy nó nương nhau để hợp, khi nó hợp phải do nơi Đồng thì nó mới hợp. Cũng như: Bột có chất lỏng hòa vào thì bột kia liền hợp, bằng bột hòa với chất lửa thì bột nọ không hợp mà lại cháy tan. Nên chi bốn chất hợp thành tùy thuận đồng hợp kết nạp nhau được thời liền hóa, đối với bốn đại nó hợp hóa không có lựa chọn, miễn sao đồng hợp thì đồng hóa. Đó chính là ĐẶC TÁNH VŨ TRỤ NHÂN SINH, từ Vật Chất hay Tinh Thần nó cũng vậy, nên chi giữa Nhân Sinh cùng Nhân Sinh hợp nhau về Tinh Thần thì bạn chí thân, hợp nhau về Hình Sắc thì làm vợ chồng đôi lứa. Nó có đặc tánh hợp hóa như thế nên mới có muôn trùng Cảnh và Vật, vạn vạn chúng sanh giới hạn riêng chung. Riêng chung nên có hợp tan, tan hợp, xây đủ hoàn cảnh hợp tan, vì có hợp tan chia rẽ mà Phật dạy tu pháp môn LỤC HÒA, các chư Tăng thường áp dụng. Do nơi không hợp mà Phật phải dạy TỨ NHIẾP PHÁP, Phật trọng yếu cho nó hợp đặng Chư Bồ Tát nó liền Hóa Thân Chư Bồ Tát, cho nó hợp với Chư Phật thì nó liền Hóa Thân Phật, đó chính là sự trọng yếu của Giáo Môn. Nếu tu để mà tu, không hợp thời không bao giờ Hóa nên ghi nhớ.

Khi Tứ Đại hợp thành hình liền hóa ra Núi Sông Cây Cảnh, các loài Thực Vật muôn màu sắc tùy theo sự hóa mà kết nạp, có THÂN, HÌNH, TƯỚNG gọi là TƯỚNG SẮC, bên Tướng Sắc nó có loài ĐỘNG VẬT và THỰC VẬT, loài Động Vật có cả NHÂN SINH.

Tất cả thảy đều nương tựa nuôi nấng nhau trong VŨ TRỤ nhưng chính Nhân Sinh ít để ý, chỉ để ý nhiều nhất là nơi hợp tan Sống Chết đó thôi.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010