Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
BÁC HỒ YÊU NỀN CỘNG HÒA

Tôi đã đứng trong ngôi nhà ở phố Compoint, được coi là nơi hoạt động của Hồ Chí Minh ở Paris . Ở London , tôi đã tới thăm khách sạn nơi Ông từng làm đầu bếp dưới dự hướng dẫn của Escoffier. Ở New York , tôi đã thử hình dung Hồ Chí Minh đã ngắm nhìn bức tượng Nữ thần Tự do từ góc độ nào.

Tôi cũng có dịp thảo luận với các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh người Pháp như P.Brocheux, G.Boudarel... Đương nhiên, tôi cũng có dịp trao đổi ý kiến với những nhà trí thức, học giả người Việt như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đình Đầu, Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Nguyên Ngọc...

Cho đến gần đây, tôi nhận ra rằng có lẽ giá trị mà Hồ Chí Minh coi trọng nhất trong suốt cuộc đời của mình là những giá trị của nền cộng hòa. Tôi cho rằng nếu nhận thức Hồ Chí Minh như một người theo chủ nghĩa cộng hòa, chúng ta có thể đánh giá được một cách đầy đủ và đúng đắn nhất những tư tưởng và hành động của Ông.

Tinh thần nền cộng hòa Pháp

Tinh thần nền cộng hòa Pháp mang tính lý tưởng cao. Qua Cách mạng Pháp, một quan điểm mới về giá trị con người khác hẳn với giai đoạn trước đã được xác lập. Như đã thể hiện trong câu nói của bản Tuyên ngôn Nhân quyền: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng”, sự khác biệt căn bản nhất của thời cận đại so với các thời đại khác là sự thay đổi 180 độ quan điểm về giá trị con người.

Đó là cách nhận thức con người bằng việc bài trừ những thuộc tính cá nhân. Lấy ví dụ, nó không quan tâm tới người đó là người Nhật hay người Việt Nam, sinh ra ở tỉnh nào, xuất thân trong gia đình hay dòng họ nào, bao nhiêu tuổi, là nam hay nữ. Vấn đề quan trọng là con người đó với tư cách là một “cá nhân” có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính hay không.

Nền cộng hòa được xây dựng bởi những cá nhân là nhân dân Pháp, bất kể giai cấp, màu da hay người đó có sinh ra ở Pháp hay không. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của nền cộng hòa là phải giáo dục ra được những “cá nhân” có đủ khả năng suy nghĩ một cách lý tính...

Ở Đông Á, nơi thuộc tính cá nhân và quan hệ con người đóng vai trò chủ đạo, người ta đã không lý giải được hết tinh thần nền cộng hòa. Người ta thường viện dẫn những ví dụ của nước Pháp và nước Mỹ để đưa ra những định nghĩa mang tính mô phạm về nền cộng hòa, kiểu như nền cộng hòa là việc chặt đầu nhà vua, phế bỏ chế độ quân chủ, xây dựng thể chế chính trị “của dân, do dân, vì dân”; nền cộng hòa là thể chế chính trị mà nhân dân đóng vai trò chính.

Người viết cho rằng có lẽ Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo chính trị duy nhất ở Đông Á nhận thức được một cách đúng đắn nhất tinh thần nền cộng hòa và Ông đã cố gắng đưa nó vào Việt Nam ...

Ý nghĩa của Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Ước mơ “Độc lập” từ lâu của Hồ Chí Minh là Việt Nam được giải phóng khỏi tay thực dân Pháp và trở thành một nước độc lập. Nhưng Độc lập của Hồ Chí Minh không phải là khái niệm “độc lập” theo nghĩa cũ, vốn thường được lặp đi lặp lại trong sách giáo khoa – là quá trình Việt Nam giữ vững được độc lập và bản sắc (identity) của mình trước sự uy hiếp của Trung Quốc.

Việt Nam có lịch sử khởi nghĩa, đánh bại, đánh đuổi sự xâm lược của các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc, nhưng sau mỗi lần đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, Việt Nam lại chỉ xây dựng một thể chế chính trị mô phỏng Trung Quốc. Nhưng Độc lập mà Hồ Chí Minh muốn xây dựng là một nước độc lập, một nhà nước chủ quyền theo kiểu cận đại. Từ Độc lập của Ông bao hàm ý nghĩa xây dựng một quốc gia có chủ quyền, có lực lượng sánh vai được với các cường quốc trên thế giới. Ý tưởng của Ông không chỉ xây dựng một chế độ Dân chủ cộng hòa mà còn xây dựng nên hình ảnh của những Con người mới đóng vai trò gánh vác quốc gia độc lập.

“Tự do” của Hồ Chí Minh rõ ràng chịu ảnh hưởng từ chữ “Tự do” trong khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cách mạng Pháp và quyền mưu cầu Tự do của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tự do của Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là đất nước được độc lập, nhà nước có chủ quyền và có quyền tự do phát ngôn, hoạt động trên trường quốc tế, mà phải là thứ tự do được từng người dân ca ngợi.

Nó cũng yêu cầu mỗi người dân ca ngợi quyền tự do đó phải trở thành chủ thể xây dựng từ dưới lên trật tự của nền cộng hòa, yêu cầu từng cá nhân phải có khả năng suy nghĩ, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao. Cuối cùng như được đề cập trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Hạnh phúc của Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của “quyền mưu cầu hạnh phúc” trong hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chính là bản Hiến pháp đầu tiên viết rõ ràng về “quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Thông điệp về hạnh phúc của Hồ Chí Minh là thông điệp mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và phải chủ động, tích cực tranh đấu để giành được hạnh phúc đó. Thông điệp đó của Hồ Chí Minh đã được đông đảo nhân dân Việt Nam đón nhận...

GS.TS Tsuboi Yoshiharu
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 30/10/2010